Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cải cách giá điện mới mong thu hút được vốn
Thanh Hương - 08/06/2023 09:35
 
Quy hoạch Điện VIII vừa ban hành được xem là “xanh hơn” so với các bản quy hoạch điện trước. Để thực hiện được quy hoạch này, các chuyên gia cho rằng, cần cải cách giá điện mới thu hút được vốn đầu tư, thực hiện các mục tiêu đề ra.
Quy hoạch Điện VIII chú trọng phát triển năng lượng tái tạo 	ảnh: đức thanh
Quy hoạch Điện VIII chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.

Con đường gian khó

Trong tài liệu có tiêu đề “Nhu cầu tương lai” thuộc Chương trình Tương lai ngành điện Việt Nam, được thực hiện bởi Đại sứ quán Australia tại Việt Nam với sự bảo trợ của Ban Kinh tế Trung ương có nhận định, trong gần 20 năm qua, mức tiêu thụ điện ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Trên thực tế, Việt Nam đã tăng sản lượng điện lên gần 10 lần trong 20 năm, từ năm 1999 tới năm 2019, nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tăng GDP ở mức 3,6 lần.

Mặc dù nhận định “các nước đang phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện năng cao so với tăng trưởng kinh tế do các hộ gia đình tăng cường sử dụng năng lượng và giai đoạn đầu khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng”, song Báo cáo cũng nhận xét, điều này không giúp giải thích cho tình trạng cường độ năng lượng của Việt Nam cao trong thời gian dài như vậy.

Lý giải nguyên nhân chính khiến Việt Nam có cường độ sử dụng năng lượng cao, nhiều nghiên cứu đã cho rằng “do biểu giá điện thấp đối với lĩnh vực sản xuất”.

Chuyên gia của các ngân hàng phát triển quốc tế tại Hà Nội cho biết, họ nghi ngờ khả năng đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam trong điều kiện khó khăn hiện tại, do tốc độ cấp phép và xây dựng dự án còn chậm.

Trên thực tế, ngành điện đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào năng lượng tái tạo với điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn 2018-2021, khi có giá mua điện tốt, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân của EVN bán ra cho nền kinh tế theo quy định của Nhà nước. Còn lại, các dự án nguồn điện lớn và ổn định không có nhiều.

Nghiên cứu của Chương trình Tương lai ngành điện Việt Nam cũng nhận xét, trong nhiều năm qua, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã ủng hộ việc tăng giá điện dần dần đối với các khách hàng tiêu thụ điện lớn, đặc biệt là khu vực sản xuất. Đây là cách tiếp cận trọng tâm cho các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả. Hướng tiếp cận này là yếu tố quan trọng trong các chính sách giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu hồi chi phí và có lãi.

Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tập đoàn Tài chính quốc tế và nhiều tổ chức tài chính phát triển khác đã kêu gọi cải cách giá điện, chỉ ra rằng, việc trợ giá điện khuyến khích lãng phí, dẫn đến tăng nhu cầu phát triển nguồn điện mới và không thu hút vốn đầu tư trực tiếp. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để tăng giá điện, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra.

“Trong thời gian đại dịch Covid-19, EVN áp dụng biểu giá điện và chiết khấu tiền điện cho cả doanh nghiệp và người dân, với tổng số tiền hơn 16.950 tỷ đồng. Năm 2022, chi phí sản xuất điện tăng gần 21,5%, chủ yếu do giá than trong nước (tăng 34-46%) và than nhập khẩu (tăng 163%). Những yếu tố này đã dẫn đến khoản lỗ khoảng 1,2 tỷ USD trong năm 2022, dự kiến dẫn đến khoản lỗ 2,7 tỷ USD năm 2023”, tài liệu này viết.

Phát biểu tại Đối thoại chính sách Tương lai ngành điện Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận xét về thực trạng đáp ứng điện hiện nay với đòi hỏi phải đồng bộ chính sách cần nhanh và mạnh hơn.

Ông Hiển nhắc tới thực tế vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế không quá cao, nhưng lại phải đối mặt với thách thức thiếu điện, hay việc Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành hồi năm 2020, nhưng 3 năm sau mới có Quy hoạch Điện VIII là chậm.

Để xanh, sạch, cần chịu chi

Mặc dù việc dịch chuyển về các nguồn năng lượng tái tạo, ít phát thải là xu hướng được ưa chuộng trên con đường thực hiện Net Zero, nhưng cũng có thực tế sẽ phải đầu tư nhiều hơn, chi nhiều tiền hơn khi hướng tới các nguồn điện sạch.

“Trong Quy hoạch Điện VIII, hiện có 4 dự án điện than chưa xây dựng và đang trong tầm ngắm. Nếu 2 năm nữa, các dự án này không huy động được vốn sẽ phải thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để thay 1.000 MW điện than thì cần khoảng 2.000 MW điện gió hoặc 4.000 MW điện mặt trời. Nghĩa là, cần vốn đầu tư lớn hơn, nhiều nguồn lực hơn với sự chung tay của các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước”, ông Nguyễn Mạnh Cường, thành viên soạn thảo Quy hoạch Điện VIII nhận xét.

Là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn, đồng thời là một trong những quốc gia có hệ thống điện lưới dài nhất (kéo dài 5.000 km), câu chuyện chuyển dịch sang năng lượng tái tạo của Australia là một ví dụ cụ thể để giảm phát thải nhanh nhất thế giới. 

Hiện Australia dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu với tốc độ lắp đặt điện mặt trời và điện gió bình quân đầu người nhanh nhất thế giới. Chính sách hiện tại của Chính phủ Australia đặt mục tiêu đạt 82% điện tái tạo vào năm 2030 để giảm 43% tổng phát thải so với kịch bản cơ sở năm 2005 (ngành điện hiện nay chiếm khoảng 33% lượng phát thải).

Để thực hiện các mục tiêu này, theo ông Andrew Goledzinnowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc “cam kết chi 20 tỷ USD để nâng cấp lưới điện, có hệ thống chính sách nhất quán giữa Chính phủ và các bang, có các hệ thống tích hợp để phát huy cao nhất được hiệu quả của năng lương tái tạo”… 

Bên cạnh đó, đầu tư cho pin lưu trữ, thủy điện tích năng cũng rất được chú ý để phát huy tốt nhất vai trò của năng lượng tái tạo có tính chất biến đổi nhanh theo thời tiết. 

Lẽ dĩ nhiên, tất cả các chi phí này đều được tính vào giá điện. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tại Australia hiện cỡ 25-28 UScent/kWh - một con số mà ngành điện Việt Nam phải khát thèm khi đang bán lẻ điện với giá bình quân là hơn 8 UScent/kWh.

Thách thức lớn của ngành điện trong quá trình chuyển dịch sang xanh, sạch được ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) chia sẻ, đầu tư cả nguồn và lưới điện ở Việt Nam có nhiều thách thức khi cơ chế chưa thực sự hấp dẫn với các bên cho vay.

Được biết, Quy hoạch Điện VIII đề ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu, trong đó có hàng loạt giải pháp liên quan đến chính sách pháp luật như sửa Luật Điện lực; xây dựng Luật về năng lượng tái tạo; sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện; chính sách xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải; điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước…

Như vậy, khi các chính sách luật pháp liên quan đến thu hút đầu tư và vận hành thị trường điện theo hướng cạnh tranh công bằng, minh bạch cần thêm thời gian để hoàn chỉnh, thì các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính sẽ phải kiên nhẫn chờ.

24/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư
UBND các địa phương chủ động rà soát hồ sơ, đánh giá cụ thể nguyên nhân việc chậm tiến độ để xem xét việc điều chỉnh tiến độ thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư