Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cải thiện môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp cần nhìn thấy tiền thật
Khánh An - 08/11/2018 08:20
 
Các cam kết cải cách vẫn liên tục được đưa ra, song hành với các bước tiến sâu vào hội nhập của nền kinh tế. Nhưng, điều doanh nghiệp muốn biết rõ là dòng tiền của họ sẽ chảy thế nào trong môi trường kinh doanh này.

Câu hỏi của Thủ tướng

“Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB)?”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi này tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vào cuối tuần trước, chỉ một ngày sau khi WB công bố thứ hạng 69/190 của Việt Nam, giảm 1 bậc so với năm trước, trên Bảng xếp hạng Thuận lợi kinh doanh - Doing Business năm 2019.

doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ở cả khía cạnh thị trường và cơ chế chính sách khi bước vào sân chơi mới. Trong ảnh: Nhà máy Chế biến Caseamex Cần Thơ.
Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ở cả khía cạnh thị trường và cơ chế chính sách khi bước vào sân chơi mới. Trong ảnh: Nhà máy Chế biến Caseamex Cần Thơ.

Vài ngày trước đó, WEF cũng công bố Việt Nam tụt 3 bậc so với năm trước về năng lực cạnh tranh quốc gia, đứng thứ 77/140 nền kinh tế.

Không biết các thành viên Chính phủ đã trả lời thế nào, nhưng chắc chắn áp lực đang đè nặng lên những bộ, ngành đang chịu trách nhiệm ở những tiêu chí bị giảm điểm, như thuế và bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu, giải quyết phá sản doanh nghiệp... Áp lực này thậm chí còn trở thành câu hỏi khi những quy định cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được liên tiếp công bố với những con số thực sự đáng kể. Chỉ trong tháng 10/2018, số điều kiện kinh doanh được cắt giảm là 1.871 điều kiện - tăng 60,4% so tháng trước, nâng tổng số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm là 3.004/3.794 số điều kiện cần cắt giảm, đạt 97% chỉ tiêu Chính phủ giao cho các bộ, ngành.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) chia sẻ áp lực này, nhưng cũng thẳng thắn cho rằng, lý do nhiều chỉ số thành phần của Việt Nam bị giảm điểm là doanh nghiệp chưa nhận được lợi ích cụ thể từ các quyết định trên.

“Chẳng hạn thứ hạng của nộp bảo hiểm xã hội giảm, vì năm ngoái có thông tin kết nối với thuế, nhưng dữ liệu vẫn chưa được đưa lên mạng để thực hiện. Thuế giảm vì thủ tục hoàn thuế nhanh hơn, nhưng doanh nghiệp lại không nhận được tiền thuế hoàn lại như trước mà chuyển sang phần nộp thuế của năm sau. Rõ ràng, có cải cách về thủ tục, nhưng thay đổi về cơ chế quản lý khiến doanh nghiệp không nhận được tiền thật, điều mà doanh nghiệp nào cũng nhắc khi chia sẻ về thuế”, bà Thảo phân tích.

Hơn thế, cũng phải thừa nhận rằng, những cải cách tưởng như rất mạnh mẽ của Việt Nam vẫn chưa theo kịp nhiều nền kinh tế, cụ thể là 4 nền kinh tế đi đầu về môi trường kinh doanh trong ASEAN.

CTPPP và giấy phép con

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chọn chủ đề CPTPP và giấy phép con để thảo luận tại diễn đàn Quốc hội về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Văn kiện CPTPP là sản phẩm của các nhà chính trị và kỹ trị, nên bao giờ cũng quá phức tạp, hàn lâm và kỹ thuật, nên doanh nghiệp, thậm chí cả các cơ quan quản lý nhà nước khó có thể hiểu ngay và hiểu đúng để vận dụng một cách có hiệu quả. Tôi muốn nhắc tới thứ hạng cuối của Việt Nam trong số 11 nền kinh tế thành viên CTPP trên Bảng xếp hạng Thuận lợi kinh doanh - Doing Business năm 2019 do WB vừa công bố tuần qua, để bàn về những việc cần phải làm ngay lúc này”, ông Lộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Trong Bảng xếp hạng Doing Business năm 2019, thứ hạng của Việt Nam là 69/190; của Peru là 68/190, của Chile là 56/190, của Brunei là 55/190... New Zealand và Singapore đứng thứ 1 và 2 của Bảng xếp hạng này.

“Khoảng cách giữa sự thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam với thế giới còn lớn, nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khắc nghiệt với cạnh tranh ở cả khía cạnh thị trường và cơ chế, chính sách khi chúng ta bước vào sân chơi mới này. Lúc này, các doanh nghiệp phải thấy được các giấy phép con, thủ tục hành chính được gỡ bỏ thực chất, để dòng tiền đầu tư chảy vào các dự án kinh doanh nhanh nhất, có lợi nhất”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.

Đây không phải lần đầu VCCI lên tiếng về những lo lắng về những cơ hội từ hội nhập bị bỏ lỡ của nền kinh tế Việt Nam. Bài học từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đang có cho thấy rất rõ, phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40%, chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn 60% còn lại, vì nhiều lý do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt.

Hơn thế, khi nhìn vào những cam kết sẽ được thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi, họ có phải đối mặt với những chi phí tuân thủ tăng lên sau khi Việt Nam thực hiện các cam kết trong CPTPP.

“Để thực hiện cam kết về thuế quan trong CPTPP, Chính phủ đã dự kiến ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Nhưng, việc loại bỏ thuế theo cam kết này có thể sẽ gây thiếu hụt ngân sách. Doanh nghiệp có phải lo lắng với các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu… hay không? Có cách nào giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp không? Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?”, ông Lộc phân tích.

Trong kiến nghị liên quan đến thực hiện CPTPP, các doanh nghiệp đã đề nghị trong mọi kế hoạch rà soát, nội luật hóa các cam kết hoặc xây dựng pháp luật liên quan tới Hiệp định, các bộ, ngành cần phải tham vấn rộng rãi và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc thiết lập một đầu mối chính thức để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định luật hóa Hiệp định đang được các doanh nghiệp mong muốn thực hiện ngay.

[Infographic] Những điểm mới về cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức đến năm 2030
Lương của viên chức, công chức sẽ bằng lương doanh nghiệp từ năm 2021, xây dựng bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm, Nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư