Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 04 tháng 07 năm 2024,
Cải thiện xúc tiến thương mại, tăng tốc xuất khẩu nửa cuối năm 2024
Hải Yến - 02/07/2024 17:38
 
Để dồn lực xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Công thương sẽ ưu tiên xúc tiến thương mại cho các mặt hàng và thị trường trọng tâm, trọng điểm, khai thác các thị trường có FTA, tận dụng tối đa dư địa thị trường.
Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024.
Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024.

Đây là những thông tin được đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ với các doanh nghiệp sản xuất, hiệp hội ngành hàng tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, sáng 2/7 tại Bộ Công thương.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%, nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%. 

Xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, gồm: xuất khẩu nhóm nông, thủy sản tăng hơn 19%.

Nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD tăng 22,2%; hàng dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1%; giày dép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10%, sắt thép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 33 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 11,3%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực trong 6 tháng qua đều khả quan. Trong đó, xuất sang Mỹ đạt 54,3 tỷ USD, tăng 22,1%; xuất sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; sang EU đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%; ASEAN 18,2 tỷ USD, tăng 12,9%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích: "Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khởi sắc có sự hỗ trợ của một loạt yếu tố như: chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...".

Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu.

Để về đích với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024, nửa cuối năm còn lại, ghánh nặng vẫn đổ lên vai các ngành hàng xuất khẩu lớn và các cơ quan quản lý, điều hành xuất nhập khẩu trong việc sớm nắm bắt thông tin thị trường, các xu hướng tiêu dùng mới, quy định mới từ các nhà nhập khẩu để thông tin và điều hành kịp thời.

Áp lực vẫn còn không ít là bởi, kinh tế toàn cầu cuối năm vẫn khó đoán định, còn nhiều bất ổn và tác động không thuận lợi từ xung đột địa chính trị, cước vận tải biển tăng chóng mặt.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục Xúc tiến thương mại: "Dù kinh tế, thương mại toàn cầu đã có nhiều dấu hiệu phục hồi hết sức tích cực sau một thời gian khó khăn, tuy nhiên thách thức vẫn hiện hữu, do đó, hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được  đổi mới nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm, mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ…".

Song song là rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada và một số nước châu Âu lưu ý, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, các nhà cung ứng từ Việt Nam cần nắm bắt và chuyển hướng sản xuất theo xu hướng này để tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu không chỉ trước mắt mà còn trong dài hạn.

Cùng đó, công tác xúc tiến thương mại cho từng khu vực thị trường cần được đổi mới, linh hoạt để mang lại hiệu quả cao nhất cho các ngành hàng xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho biết, hết tháng 5 năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 0,7%, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,16 tỷ USD tăng 1,9% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,43 tỷ USD, giảm 1,8%.

Một số mặt hàng xuất khẩu tăng: thủy sản 77,4 triệu USD, tăng 9,8%; rau quả 26,25 triệu USD, tăng 113,5%; hạt điều 48,66 triệu USD, tăng 35,5%; cà phê  349,62 triệu USD tăng 45,4%...

"Việt Nam và EU đã có FTA song phương là EVFTA  đang thực thi, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu và tận dụng tối đa lợi thế từ FTA này, tiếp cận các kênh phân phối tại Đức, đặc biệt kênh phân phối hàng châu Á", bà Thanh Phương lưu ý.

Với việc đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, một loạt FTA của Việt Nam được các ngành hàng chú trọng khai thác, các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thông tin kịp thời về các chính sách mới từ các nhà nhập khẩu, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tìm thị trường, khách hàng mới.., kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 có thể cán đích mục tiêu tăng trưởng 6%. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Hoàng Long
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư