Thứ Tư, Ngày 16 tháng 07 năm 2025,
Cấm xe máy xăng trong Vành đai 1: Cần trợ lực sớm để dân thuận lợi
Hoàng Nam - 16/07/2025 07:31
 
Theo yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị 20/CT-TTg, Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026 và từ tháng 1/2028 sẽ hạn chế cả xe máy lẫn ô tô cá nhân chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2.

Theo thống kê từ các đơn vị chức năng của Hà Nội, đến hết năm 2024 Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương). Trong đó thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu xe ô tô và trên 6,9 triệu xe máy.

Ngoài ra, còn có khoảng 1,2 triệu xe ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.

Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội nói chung được đánh giá là khoảng 4 - 5%/năm, gấp từ 11 đến 17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông.

Các khách hàng đầu tiên thuê xe điện Honda CUV e. 

Hoạt động giao thông, với lượng phương tiện chạy bằng xăng dầu cũng được xem là 1 trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Bởi vậy, việc hạn chế phát thải từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch này cũng trở thành mối quan tâm lớn của Hà Nội.

Trong cuộc làm việc ngày 9/6/2025 với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nhắc lại rằng, ngày 4/7/2017, HĐND Hà Nội đã ban hành nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Do vậy, không thể nói việc chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện là một quyết định bất ngờ đối với người dân hay doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, sẽ triển khai kế hoạch này tại 4 quận nội đô, với các bước tiến hành cụ thể và được cân nhắc kỹ lưỡng.

 “Chúng tôi nhận thức rằng, không phải tất cả vấn đề đều do xe máy, nhưng xe máy là một yếu tố tác động đến nhiều vấn đề xã hội và văn hóa đô thị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tiện lợi cá nhân mà còn có tác động đến môi trường sống chung của cộng đồng”, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.

Một số mẫu xe máy điện VìnFast được giới thiệu cho khách hàng trải nghiệm. 

Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết vùng phát thải thấp (LEZ) với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí.

Theo nội dung nghị quyết, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.

Người dân vùng LEZ sẽ được giảm giá, hỗ trợ đổi xe cũ, vay vốn mua xe mới để chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện. Thành phố cũng dự kiến chọn hai quận trung tâm là Ba Đình và Hoàn Kiếm (cũ) để thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025 và từ năm 2031 trở đi sẽ áp dụng hầu hết các quận.

Xa hơn nữa, vào năm 2021, để xác định mức độ ô nhiễm từ xe máy, UBND TP. Hà Nội đã có Kế hoạch số 172/KH-UBND thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố trong thời gian từ 9/2021 - 6/2022 với sự hợp tác của VAMM.

Bên cạnh đó, khí thải do VAMM đầu tư được lắp đặt tại 8 đại lý (4 đại lý Honda còn Yamaha, SYM, Suzuki, Piaggio mỗi hãng 1 đại lý) ở Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, VAMM cũng thiết lập 34 điểm tiếp nhận và xử lý xe máy tự nguyện thải bỏ từ người dân tại các đại lý của mình.

Với những xe máy cũ không đảm bảo an toàn kỹ thuật và khí thải, người dân cũng có thể lựa chọn để nhà sản xuất thu hồi và được hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới khi đáp ứng được các điều kiện như đăng ký lần đầu trước 2002 tại Hà Nội, là xe chính chủ, số khung và số máy khớp với đăng ký xe, có đầy đủ các bộ phận: khung xe, động cơ, bình nhiên liệu…

Tuỳ từng hãng, chi phí hỗ trợ để khách hàng thải bỏ xe máy cũ và chuyển đổi xe máy mới dao động từ 0 - 4 triệu đồng/xe.

Các thực tế này cũng cho thấy dù có ý thức rất sớm nhưng từ năm 2017 hay từ tháng 12/2024 rồi sau cuộc gặp với VAMM ngày 9/6/2025, Hà Nội vẫn chưa công bố rõ ràng chính sách hỗ trợ cụ thể nào để khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới có mức phát thải thấp hơn nói chung hay sang xe máy điện nói riêng.

Vì vậy, điều mà người dân Hà Nội, nhất là người dân sinh sống và làm việc trong khu vực Vành đai 1 hiện đang rất quan tâm là “các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, đầu tư hệ thống trạm sạc, nâng tiêu chuẩn an toàn tại các khu vực sạc tập trung, đồng thời phát triển mạnh vận tải công cộng hay Thành phố đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 sẽ chuyển toàn bộ xe buýt sang năng lượng sạch và đến năm 2035 hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400 km” mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhắc tới khi làm việc với VAMM được triển khai nhanh, để người dân được tiếp sức và có thêm động lực khi chung tay thực hiện giấc mơ xanh cho Hà Nội một cách sớm nhất.

Chiều 15/7, tại tọa đàm Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, việc loại bỏ phương tiện chạy xăng dầu là xu thế tất yếu và Hà Nội sẽ nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phù hợp nhất cho người dân trong khu vực Vành đai 1 khi cấm xe máy xăng từ tháng 7/2026.
"Thành phố sẽ kêu gọi các hãng xe cung cấp phương tiện xanh với chính sách ưu đãi về giá bán và chi phí sử dụng; đồng thời, kiến nghị tiếp tục miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký xe điện", ông Tuấn cho hay. 
Song song với hỗ trợ người dân đổi phương tiện, Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống trạm sạc, đổi pin cho xe điện; tích hợp các yêu cầu an toàn như phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ. Các trạm đổi pin sẽ có sự tham gia của nhiều hãng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi phương tiện.
Ngoài ra, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới giao thông công cộng bằng xe điện, chuyển đổi toàn bộ xe buýt, taxi và xe trung chuyển từ 4 đến 16 chỗ hoạt động trong khu vực Vành đai 1. Hệ thống đường sắt đô thị cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu đi lại khi phương tiện cá nhân bị hạn chế.
Tiêu thụ xe máy của 5 ông lớn quý II: Người thăng hoa, kẻ khóc thầm
Doanh số bán xe máy của 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong quý II/2025 tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2024. Dù số tổng doanh số tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư