Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục, gần 17 tỷ USD
Hà Nguyễn - 29/09/2020 16:43
 
Trong 9 tháng, Việt Nam xuất siêu hàng hóa gần 17 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ 8,16 tỷ USD.

.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương”.

Đó là nhận định quan trọng của Tổng cục Thống kê về thương mại, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trong 9 tháng qua. 

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%.

Trong đó, xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu ở mức kỷ lục - 16,99 tỷ USD. Cùng kỳ năm trước, cả nước chỉ xuất siêu 7,27 tỷ USD.

Trong mức xuất siêu kỷ lục của 9 tháng qua, đóng góp lớn vẫn thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này, kể cả dầu thô, xuất siêu 27,51 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD.

Trong khi đó, với dịch vụ, 9 tháng, cả nước xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 5,47 tỷ USD, giảm 62,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ du lịch đạt 2,5 tỷ USD (chiếm 45,1% tổng kim ngạch), giảm 70,9%; dịch vụ vận tải đạt 665 triệu USD (chiếm 12,2%), giảm 79,6%. 

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,63 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 5,9 tỷ USD (chiếm 43,3% tổng kim ngạch), giảm 0,3%; dịch vụ du lịch đạt 3,2 tỷ USD (chiếm 23,6%), giảm 33,4%. 

Như vậy là 9 tháng, Việt Nam nhập siêu dịch vụ 8,16 tỷ USD, bằng 149,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

Quay trở lại với diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng qua, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bất chấp đại dịch Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đáng ghi nhận. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.

Trong 9 tháng, Tổng cục Thống kê cho biết, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Trong số này, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%. Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,7 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,2 tỷ USD, tăng 25,9%; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD, giảm 10,3%.

9 tháng qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD, tăng 12,7%. Thị trường EU đạt 26 tỷ USD, giảm 2,6%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,5%. Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.

Trong khi đó, 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.

Trong 9 tháng năm 2020, có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. 

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 173,71 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,16 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 6,5% (tăng 0,3 điểm phần trăm).

Còn về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc - đạt 32,8 tỷ USD, giảm 7,1%. Thị trường ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, giảm 8,7%. Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 2,8%. Thị trường EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 5,6%. Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, giảm 1,6%.

Lạm phát đang được kiểm soát nhưng vẫn cao nhất 5 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước. 9 tháng, bình quân, CPI tăng 3,85%, vẫn được kiểm soát tốt nhưng cao nhất trong 5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư