Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Cần có chính sách đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn
Khánh Linh - 28/10/2022 15:17
 
Làm thế nào để doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe, hạn chế được tác động từ bên ngoài, phát triển vững mạnh, thành nòng cốt cho sự phát triển của nền kinh tế được các đại biểu Quốc hội tiếp tục bàn thảo.

Trong phần thảo luận tại Hội trường chiều 28/10, đại biểu Nguyễn Thành Trung, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhắc rất chi tiết đến giải pháp bảo đảm ổn định thị trường tài chính, thị trường vốn.

“Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, ngân hàng thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi. Những khó khăn này ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.

.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Khó khăn này càng lớn khi cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh.

Trước những vấn đề trên, để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.

Cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lượng tiền cung ứng đối với nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách vay tài khóa quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng”, đại biểu kiến nghị.

Trong phiên làm việc sáng nay, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cũng đề cập tới kiến nghị linh hoạt chính sách tiền tệ, bám sát với tình hình thực tiễn, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư, phát triển, giảm tác động đồng bộ của chi phí đẩy như nguyên liệu đầu vào, vận tải, logistics, giảm áp lực lạm phát.

Tích cực tháo gỡ nút thắt để giải ngân theo kế hoạch, nếu nền kinh tế không hấp thu được thì nguồn lực sẽ lâu hồi phục.

Ông cũng tin rằng, các giải pháp này sẽ khuyến khích, tạo niềm tin tiêu dùng và hoạt động kinh doanh trong bối cảnh có dấu hiệu đi xuống, tạo lực kéo cho hoạt động sản xuát kinh doanh

Tuy nhiên, trong dài hạn, theo ông So, khó khăn lớn mà doanh nghiệp đối mặt  vẫn là những rào cản, nút thắt về thể chế, đặc biệt là 2 chỉ số đang thấp điểm là khu vực công và quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, chất lượng hành chính đất đai, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng.

.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh).

Do vậy, ông tiếp tục đề nghị cần thay đổi tư duy cải cách thể chế theo hướng đồng hành, hỗ trợ, coi doanh nghiệp là đối tác thay vì đối tượng quản lý, từng bước chuyển sang giai đoạn quản trị. Hoàn thiện các yếu tố then chốt như cơ sở dữ liệu thống nhất, nguồn lực con người, chính sách thực thi để xây dựng thành công Chính phủ điện tử, tăng cường chất lượng dịch vụ công, cập nhật khung khổ pháp lý, thể chế nhằm đàm bảo quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho thương mại hóa ý tưởng kinh doanh.

“Không nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào nơi mà tài sản, trí tuệ của họ không được bảo vệ”, đại biểu So nhấn  mạnh.

Đặc biệt, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có chính sách đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các lĩnh vực có tính nền tảng, then chốt như lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, máy móc thiết bị, sản phẩm y tế, giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm có năng lực cạnh tranh... giúp định hình thị trường, tái cấu trúc ngành, kéo theo các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi liên kết mang thương hiệu Việt.

“Bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần có những con sếu đầu đàn dẫn dắt, để đàn sếu bay xa, bay nhanh và bay đúng hướng”, đại biểu Nguyễn Như So gửi gắm thông điệp.

Doanh nghiệp cũng rất cần các chính sách nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực của khối doanh nghiệp nội địa, đủ khả năng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng, kết nối với khối FDI, qua đó thúc đẩy kỹ năng quản trị, nhận chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, tạo cụm liên kết ngành cần bằng giữa các thành phần kinh tế.

Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái, thậm chí rủi ro chiến tranh kinh tế giữa một số nước, càng thấy rõ vai trò của sự chủ động nguồn nguyên liệu, khả năng tự chủ của quốc gia. Vì vậy, ông đề nghị rà soát, đánh giá lại quy hoạch, cơ chế chính sách để có thể tích tụ đất đai, xây dựng các vùng nguyên liệu để đảm bảo tính ổn định của chuỗi giá trị sản xuất nội địa.

Tập trung khai thác và mở rộng thị trường trong nước quyết liệt hơn, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hệ thống, xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo tính tự chủ, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.

Với các cuộc vận động kích cầu, tiêu dùng trong nước, đại biểu cho rằng cần làm thực chất hơn, hiệu quả hơn, giảm thiểu khâu trung gian, tăng cường kết nối các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng...

Thị trường nội địa là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Kinh tế 2022 - 2023: Nhìn vào động lực tăng trưởng để cân lại giải pháp
Khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục tăng cao và những thay đổi rất nhanh của tình hình kinh tế - xã hội khiến nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư