Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Cần kiến tạo chính sách và nới lỏng sự kìm hãm trong xu hướng phát triển Fintech
Trọng Tín - 15/04/2022 18:20
 
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại Học Bristol (Anh) cho rằng, vẫn còn sự thận trọng nhất định trong việc thiết kế chính sách cho Fintech do mức độ am hiểu và khả năng quản lý rủi ro.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận thứ hai về “Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số ở TP.HCM” tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại Học Bristol (Anh) đã nêu ra những vấn đề liên quan đến xu hướng phát triển, chính sách và tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ tài chính (Financial Technology – Fintech).

Theo ông Tuấn, hầu hết các quốc gia ASEAN đã và đang thí điểm, triển khai chiến lược phát triển cho lĩnh vực Fintech và hướng đến nền kinh tế với mức tài chính toàn diện cao ở cấp quốc gia hoặc có sự tham gia của ngân hàng trung ương. Cụ thể, các chiến lược xoay quanh một trong những yếu tố như điện tử, ID, hỗ trợ cho hệ thống thanh toán tiền di động, cấp giấy phép cho ngân hàng kỹ thuật số...

Hiện có 6/10 quốc gia ASEAN đã áp dụng một số hình thức ID kỹ thuật số. Trong khi đó, Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn đang thí điểm các chương trình này.

Các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia  ASEAN đã cho thấy mức sẵn lòng hỗ trợ, kiến tạo chính sách để Fintech có thể phát triển và phát huy đúng vai trò. Tuy nhiên, vẫn còn sự thận trọng nhất định do mức độ am hiểu và khả năng quản lý rủi ro.

a
Ông Hồ Quốc Tuấn đưa ra nhiều gợi ý, trong đó quan trọng nhất là kiến tạo chính sách và nới lỏng sự kìm hãm trong xu hướng phát triển Fintech gắn liền với tài chính toàn diện. Ảnh: Trọng Tín

Theo ông Tuấn, việc tích hợp thị trường thanh toán và thị trường vốn kỹ thuật số vào nền kinh tế phải mang tính đồng bộ, hiệu quả, và có cơ chế quản lý, giám sát. Như vậy, tương lai thị trường tài chính sẽ đi về đâu nếu những quy tắc, luật định chưa bắt kịp các sản phẩm, mô hình từ Fintech?

Do đó, ông Tuấn đưa ra nhiều gợi ý, trong đó quan trọng nhất là kiến tạo chính sách và nới lỏng sự kìm hãm trong xu hướng phát triển Fintech gắn liền với tài chính toàn diện.

Khi đó, cơ chế thí điểm như hình thức sandbox đối với các công ty công nghệ sẽ giúp cơ quan quản lý hiểu và nắm rõ cách thức vận hành và rủi ro có thể có đối với những sản phẩm, mô hình từ Fintech nói riêng và chiến lược toàn diện tài chính nói chung.

Trong đó, có thể hướng đến thí điểm hai nhóm dịch vụ tài chính kỹ thuật số chính, bao gồm: Thanh toán kỹ thuật số, thanh toán bù trừ; Tiền gửi, cho vay, và huy động vốn (bao gồm cả chuyển đổi số của tổ chức tài chính truyền thống và mô hình mới từ tổ chức tài chính thay thế).

Gợi ý thứ hai được ông Tuấn đưa ra là duy trì tính linh hoạt trong chính sách kết hợp với với khả năng quản lý tương xứng với quy mô và mức độ độ phức tạp các mô hình, sản phẩm mới trong lĩnh vực Fintech.

Điển hình như các công ty công nghệ phải có cơ chế giám sát riêng biệt, các sản phẩm mới khi tung ra thị trường phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Bên cạnh việc vẫn phải duy trì sự ổn định của thị trường tài chính và bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng, nhưng tránh tình trạng e ngại, sợ trách nhiệm và đưa ra những quy định khắt khe dẫn đến kìm hãm sự phát triển, đơn cử như trường hợp về các mô hình huy động vốn từ cộng đồng hiện nay.

“Cân bằng sự đánh đổi giữa cơ hội hiện thực hóa lợi ích của Fintech với bảo vệ người tiêu dùng luôn là trọng điểm của các thảo luận chính sách Fintech và không có công thức chung”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu quá lo sợ về rủi ro cho người tiêu dùng, bao gồm rủi ro lừa đảo và rủi ro hoạt động, mà bỏ qua tiềm năng của quy mô thị trường do hiện thực hóa tầm nhìn tài chính toàn diện đem lại thì sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Điểm thứ ba, là cần có khuôn khổ luật pháp và quan điểm rõ ràng với việc mở rộng quyền kiểm soát và truy cập của bên thứ ba thay vì chỉ để các công ty công nghệ nắm giữ dữ liệu là cực kỳ quan trọng.

Hiện Trung Quốc đang thực hiện việc kiểm soát dữ liệu vào tay Nhà nước và công ty Nhà nước chứ không chỉ để các công ty công nghệ lớn thao túng, nhưng điều đó lại khác với cách tiếp cận của nhiều thị trường phát triển khác.

Tuy nhiên, có một nỗi lo chung là việc các công ty công nghệ lớn nắm giữ thế độc quyền với dữ liệu khách hàng và Nhà nước không thể kiểm soát các dữ liệu này, dẫn đến tình thế độc quyền của công ty công nghệ và rủi ro rửa tiền cũng như hoạt động kinh tế ngầm.

Điểm nữa, theo ông Tuấn, mức độ phát triển của Fintech và các quy định về Fintech rất khác nhau giữa các quốc gia và khu vực. Do đó, cần thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp Fintech để đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp Fintech, đồng thời thành lập một cơ quan hỗ trợ và giám sát hoạt động Fintech riêng trong Chính phủ để cân bằng giữa kiến tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thử nghiệm mới, nhưng đồng thời cũng cần bảo vệ người tiêu dùng.

Các cơ quan này đóng vai trò tham mưu giúp Nhà nước nắm rõ thực tiễn và kinh nghiệm quản lý, giám sát, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, và làm chủ những công nghệ mới.

Ngoài trừ việc cố vấn các chính sách đẩy mạnh phát triển Fintech, các cơ quan này cũng cần có những báo cáo thường xuyên để cảnh báo sớm các rủi ro tiềm ẩn trong xu hướng phát triển của Fintech, các vấn đề có thể gặp phải bao gồm: an ninh mạng; phân hóa giàu nghèo; sử dụng nguồn vốn vay quá mức và sai mục đích...

Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng, cần phải sớm ban hành khung pháp lý cũng như nền tảng hạ tầng cho công nghệ số phân tán và tài sản số, bởi việc công nhận tài sản số là tiền đề để một số nền kinh tế như Anh, Mỹ và EU tiến hành thu thuế với hoạt động giao dịch tiền mã hóa và tài sản NFT đã góp phần tạo ra nguồn thu thuế với tài sản số đáng kể và đồng thời tạo ra hành lang pháp lý để các công ty phát triển các ứng dụng cho nền kinh tế tài sản mã hóa.

Trong chuyển đổi số, công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền, rất cần sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư