Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Cần một chiến lược phát triển công nghiệp AI
Tú Ân - 23/02/2024 14:37
 
Thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá hàng ngàn tỷ USD là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.

Bước chuyển chiến lược AI

Kết thúc năm 2023, lần đầu tiên, FPT ghi nhận mức doanh thu 1 tỷ USD từ việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tại các thị trường nước ngoài. Kết quả này có được là nhờ sự tích lũy suốt thời gian qua của FPT.

Từ nhiều năm trước, FPT đã tập trung phát triển AI, chào mời các nhân tài AI trong nước và thế giới về Việt Nam. Trong năm qua, FPT đã từng bước hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ AI với hơn 20 giải pháp, dịch vụ. Hiện tại, hệ sinh thái này có 20 triệu người dùng tại 15 quốc gia, với bình quân 200 triệu lượt sử dụng/tháng.

“Chúng tôi đã tập hợp được đội ngũ nhân sự làm AI đông đảo, chọn Quy Nhơn là thủ phủ, xây dựng đại học, phát triển thành phố AI tại đó. Chúng tôi cũng phát triển nền tảng AI với trăm triệu lượt người dùng thường xuyên, các công ty khởi nghiệp được trải nghiệm miễn phí. FPT cũng phát triển ngôn ngữ, thị giác máy tính và mô hình AI tạo sinh”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết.

Tại Viettel, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, AI đã len lỏi vào rất nhiều hoạt động của Viettel. Trong kinh doanh, AI giúp thấu hiểu và cá nhân hoá dịch vụ cho khách hàng tốt hơn. Trong kỹ thuật, AI góp phần vào khai thác hiệu quả, tự động hoá, tránh sai sót. Trong quản trị, AI phân tích dữ liệu, dự đoán, giúp Viettel đưa ra quyết định chuẩn xác…

Còn tại VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, Tập đoàn luôn chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng AI và từng bước hình thành hệ sinh thái VNPT AI toàn diện. VNPT xác định phải làm chủ công nghệ và cung cấp các sản phẩm AI trong các lĩnh vực nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý âm thanh; đồng thời tiên phong dẫn dắt, áp dụng AI trong các ngành thế mạnh và sở trường, như chính quyền số, viễn thông, y tế, giáo dục, tài chính… Sau đó, VNPT sẽ cung cấp nền tảng, dịch vụ AI dưới dạng dịch vụ phần mềm cho xã hội, doanh nghiệp, cá nhân cùng khai thác và phát triển.

Bên cạnh các ông lớn công nghệ trên, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam như CMC, Vingroup, Masan, VNG… cũng đã ứng dụng mạnh mẽ AI vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và cung cấp dịch vụ AI tới khách hàng. Trong năm 2023, xuất hiện nhiều mô hình AI do Việt Nam phát triển, như PhởGPT, VinAi, LovinBot, FPT AI Mentor… Dự kiến, AI tạo sinh sẽ đóng góp cho nền kinh tế số Việt Nam tới 14.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Cần chiến lược để gia nhập thị trường AI ngàn tỷ USD

Theo Gartner, thị trường phần mềm AI sẽ đạt 135 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% năm 2021, lên 31,1% năm 2025, vượt qua mức tăng trưởng chung của toàn ngành phần mềm.

Việt Nam cần một chính sách đặc thù về khoa học, công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực AI, phù hợp với tốc độ phát triển rất nhanh của AI trên thế giới; khuyến khích đào tạo cho hiện tại và tương lai...

Tại Việt Nam, IBM đánh giá, quy mô thị trường AI tạo sinh tại Việt Nam sẽ đạt mốc 100,2 triệu USD trong năm 2024. Với lợi thế của một quốc gia có ngành công nghiệp xuất khẩu phần mềm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn tham gia “miếng bánh” AI của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần xác định một chiến lược rõ ràng cho ngành công nghiệp này.

Theo bà Nguyễn Lan Phương, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Việt Nam đang thiếu hạ tầng tính toán được dùng để đào tạo các mô hình AI lớn. Một mô hình AI lớn có thể hình dung dễ hiểu là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đằng sau ChatGPT của OpenAI với 175 tỷ tham số. Hạ tầng tính toán của một số doanh nghiệp nội địa chỉ có thể triển khai đào tạo mô hình AI với 7-10 tỷ tham số. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa về chip xử lý với các doanh nghiệp nước ngoài gắn chặt với nguồn lực đầu tư. Chỉ ít doanh nghiệp công nghệ lớn có khả năng xây dựng siêu máy tính, như Meta với 16.000 chip GPU từ Nvidia (mỗi con chip có giá khoảng 1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các trường đại học của Việt Nam cũng có tình trạng thiếu hạ tầng để nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình AI tiên tiến.

“Do đó, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp hạ tầng công nghệ thông tin nội địa và các phòng nghiên cứu AI của các trường đại học trọng điểm của quốc gia. Đây chính là hai nơi sản sinh ra các giải pháp công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Về dữ liệu, Nhà nước cần đẩy nhanh việc triển khai chính sách dữ liệu mở. Dữ liệu trong khu vực công là nguồn hữu ích dành cho quá trình huấn luyện mô hình AI của doanh nghiệp, trường đại học”, bà Phương kiến nghị.

Dưới góc độ start-up công nghệ, TS. Trung Huỳnh, nhà sáng lập Actable AI đề xuất, Nhà nước nên đầu từ vào hạ tầng và có quỹ AI để đầu tư vào những dự án AI nghiêm túc, cũng như thí điểm những giải pháp AI trong quản lý hành chính để các start-up có bệ phóng hoàn thiện các giải pháp của mình.

Còn TS. Bùi Hải Hưng, CEO VinAI cho rằng, Việt Nam cần một chính sách đặc thù về khoa học, công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực AI, phù hợp với tốc độ phát triển rất nhanh của AI trên thế giới; khuyến khích đào tạo cho hiện tại và tương lai; hỗ trợ phát triển cộng đồng AI tại Việt Nam; ưu tiên sử dụng các sản phẩm AI của các doanh nghiệp Việt Nam; có chính sách thu hút đặc biệt với các chuyên gia, nhân lực trình độ cao trong ngành.

Hải Phòng khánh thành nhà máy tích hợp giải pháp tự động hóa trí tuệ nhân tạo
Nhà máy Công nghệ năng động JG STARTECX Việt Nam chuyên chế tạo, lắp ráp và sửa chữa các máy tự động chuyên dụng, máy kiểm tra, dây chuyền tự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư