Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cân nhắc việc tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Nguyễn Lê - 20/04/2020 14:56
 
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước vì hoạt động của Quỹ trong thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả.
.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước vì hoạt động của Quỹ trong thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả.

Tiếp tục phiên họp thứ 44, chiều 20/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo gồm 8 chương và 79 điều, giảm 1 điều so với hiện hành, bãi bỏ 7 điều, bổ sung 8 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

Chưa đủ cơ sở để đánh giá

Một trong 6 nhóm nội dung được sửa đổi lần này liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Cụ thể là bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách, được quản lý bởi hội đồng quản lý và ban điều hành quỹ,  bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho Quỹ.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ. Theo đó 8 nội dung hoạt động được chi từ Quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bên cạnh ý kiến đồng ý như dự thảo, loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước vì hoạt động của Quỹ trong thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả.

Thường trực Ủy ban cho rằng, hồ sơ dự án luật chưa giải trình cụ thể đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, chưa bổ sung báo cáo đánh giá thực chất sự cần thiết tiếp tục duy trì và hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ, làm rõ mối quan hệ của Quỹ với các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong những năm qua, nên Thường trực Ủy ban chưa có đủ cơ sở để đánh giá.

Hoạt động của quỹ hầu như không có hiệu quả

Tham gia góp ý dự án luật, liên quan đến Quỹ, Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, về bản chất đây là khoản thu bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân, tương tự một khoản phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí nhưng được để lại để hình thành Quỹ và được giao cho một cơ quan quản lý, sử dụng nguồn thu này.

Dự thảo Luật không quy định khoản chi hoạt động của hội đồng quản lý và ban điều hành quỹ, khi đó hoạt động của cơ quan quản lý Quỹ được sử dụng từ nguồn kinh phí nào.

Đáng chú ý là, qua giám sát cho thấy, Quỹ có chức năng phát triển và mở rộng thì trường lao động ngoài nước và nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp, song các hoạt động này hầu như không có hiệu quả.

Trong giai đoạn 2013 - 2018, mặc dù số dư Quỹ từ đầu kỳ là 109 tỷ đồng và thu trong kỳ là 151 tỷ đồng, nhưng tổng chi trong cả giai đoạn là rất thấp, chỉ khoảng 62 tỷ đồng. Bao gồm chi hoạt động đào tạo gần 4 tỷ đồng, chi hỗ trợ rủi ro hơn 32,5 tỷ đồng. Trong khi đó chi công tác tuyên truyền qua cơ quan báo chí là 13,1 tỷ đồng và chi cho công tác quản lý là 13 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% tổng chi) còn hoạt động mở rộng và phát triển thị trường chủ yếu là tổ chức hội thảo và chi phí đoàn ra với tổng số tiền là 225 triệu đồng.

Đồng thời, kết quả giám sát cho thấy việc thực hiện các nhiệm vụ trên là không hiệu quả, Đoàn giám sát đã đề nghị bãi bỏ Quỹ này và chuyển một số nhiệm vụ chi liên quan đến việc hỗ trợ việc làm ngoài nước vào nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Từ phân tích trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá thực chất sự cần thiết phải thành lập và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Thực tế nhiều trường hợp ngân sách nhà nước vẫn thực hiện hỗ trợ đối với lao động ngoài nước khi cần thiết đối với nhiều nội dung chi từ Quỹ. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ của Quỹ với các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong những năm qua để cân nhắc việc tiếp tục hình thành Quỹ này, Thường trực Uỷ ban Tài chính - ngân sách góp ý. 

Thu hồi giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của Cienco 8
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung vừa chỉ đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước thực hiện các thủ tục thu hồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư