Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Cần phải làm gì khi bị say nắng?
D.Ngân - 18/05/2023 19:09
 
Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/ hoặc các hoạt động thể lực quá mức.

Nguy cơ bị đột quỵ vì nắng nóng

Say nắng thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, và có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.

Các  bước thực hiện sơ cứu khi say nắng.

TS. Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị say nắng và đột quỵ trong thời tiết nắng nóng. Chính vì thế, việc học cách nhận biết và xử lý khi có người bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng là vô cùng cần thiết.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp,… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39-40 độ C), hôn mê…

Đa phần, sốc nhiệt do nắng nóng có thể tự khỏi sau khi người bệnh được nghỉ ngơi, uống đủ nước. Tuy nhiên, ở một số đối tượng có sẵn bệnh nền về tim mạch, huyết áp, người có sức đề kháng yếu thì sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Trong khi đó, đột quỵ xảy ra bất ngờ nếu không được nhận biết và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như liệt người, tê yếu chân tay, méo miệng, khó nói, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Phương Trang, Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị say nắng và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng gồm: Trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường,…),

Bên cạnh đó là người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao, người có lối sống thiếu khoa học (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì,…).

Trong đó, người có bệnh lý nền nếu không may bị sốc nhiệt, đột quỵ thì thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp,… cũng có nguy cơ bị say nắng và đột quỵ cao hơn người bình thường.

Nhiều biện pháp phòng chống say nắng

Theo bác sĩ, khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất người dân nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, bạn có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách thực hiện các lưu ý sau:

Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng; mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, người dân nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày. Bên cạnh đó có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Khuyến nghị chung là uống khoảng 700ml nước vào thời điểm 2 giờ trước khi tập thể dục và cân nhắc bổ sung thêm 250ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập.

Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát.

Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn. Người dân cũng không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sĩ. C

ách đơn giản và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây.

Trường hợp mắc bệnh động kinh/ bệnh tim, thận/ gan… đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng; hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước, cần tư vấn bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể.

Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau:
-Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát, …) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ.
-Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch.
-Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể.
-Đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế.
-Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi ( bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt.
-Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ.
-Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.
-Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư