Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Cần sớm có Luật Đầu tư công
Bảo Duy - 14/10/2013 07:03
 
Dự án Luật Đầu tư công đã được Quốc hội khóa XIII đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, dự kiến trình lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 6, khai mạc vào tuần tới. Theo quy trình lập pháp, dự án luật này có thể được xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 7. >>> Tư duy cát cứ cản Luật Đầu tư công >>> Xây “đê” chống đầu tư công dàn trải, lãng phí
TIN LIÊN QUAN

Như vậy, để đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng Dự án Luật Đầu tư công, nhằm tăng cường quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đang được đòi hỏi cao.

Nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức đang gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp (ảnh minh họa)

Phải khẳng định ngay rằng, hoạt động đầu tư công đã góp phần quan trọng vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đã kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, những tồn tại trong hoạt động này không hề nhỏ.

Có thể nhắc tới hậu quả của những chủ trương, quyết định đầu tư tràn lan, không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Đặc biệt, nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức đang gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp, cũng như hoạt động của nhiều doanh nghiệp…

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công còn thiếu, những quy định đã có thì chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau.

Điểm lại, các quy định liên quan đến quản lý đầu tư công đang rải rác trong khá nhiều văn bản luật, như Luật Ngân sách nhà nước năm 2003, Luật Xây dựng năm 2003, Luật Đầu tư năm 2005… Đi kèm theo là các văn bản hướng dẫn, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành...

Tuy nhiên, hàng loạt hoạt động lại trong tình trạng chưa đầy đủ, thiếu cụ thể. Ví dụ, chưa có quy định về quy hoạch, trình tự thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án hay các quy định về thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư; triển khai thực hiện kế hoạch cũng được quy định rõ ràng. Ngay cả các nội dung quan trọng như theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, giám sát kế hoạch đầu tư, các chương trình, dự án đầu tư công cũng chưa đầy đủ.

Chính vì vậy, để khắc phục một bước các tồn tại, hạn chế trong hoạt động đầu tư công, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg (về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ) để giám sát quản lý đầu tư công và bước đầu thu được kết quả khả quan. Song, đây vẫn là các quy định dưới luật và mới giải quyết được một số bức xúc trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống.

Như vậy, việc xây dựng và sớm ban hành Luật Đầu tư công sẽ chấm dứt tình trạng vừa thiếu, vừa thừa, vừa chồng chéo trong các quy định về quản lý đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hoạt động này. Tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán hiện nay sẽ được kiểm soát trên cơ sở công khai, minh bạch các khâu của quá trình đầu tư…

Đặc biệt, trong bối cảnh chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nói riêng, đang được thúc đẩy quyết liệt, việc đẩy nhanh tiến độ và chất lượng của Dự án Luật Đầu tư công đang hội tụ những điều kiện cần thuận lợi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư