Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 29 tháng 08 năm 2024,
Cần thêm chính sách phát triển dòng xe năng lượng mới
Thế Hải - 29/08/2024 14:36
 
Ô tô ít hoặc không phát thải đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ khi có các chính sách ưu đãi đủ mạnh, kịp thời để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư trạm sạc và người tiêu dùng.
Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm về chính sách ưu đãi thúc đẩy xe năng lượng mới của các quốc gia đi trước.
Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm về chính sách ưu đãi thúc đẩy xe năng lượng mới của các quốc gia đi trước.

Để thúc đẩy tiêu dùng, phát triển xe năng lượng mới, Thái Lan có chính sách ưu đãi lớn cho các nhà sản xuất xe, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 đến 5 năm, hỗ trợ cho vay ưu đãi cho các đơn vi đầu tư trạm sạc,... Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển thành công xe "xanh", hướng đến mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, góp phần cắt giảm phát thải...

Chuyên gia dự Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 29/8 chia sẻ.

Việt Nam hiện có 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy và là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia và tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ rất nhanh.

Theo ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH ô tô BYD Việt Nam, thị trường ô tô Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng GDP cao, tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người còn thấp (55xe/1.000 người), tỷ lệ dân số sử dụng xe máy cao và phần đông trong số này đều muốn "lên đời" ô tô".

"Phải có tư duy tổng thể về xây dựng chính sách, mục tiêu của chính sách phải rất rõ ràng, cụ thể (nếu không rõ, doanh nghiệp rất khó triển khai). Đồng thời, phải đảm bảo được tính ổn định, dài hạn, toàn diện và đồng thời của các chính sách",

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Xu hướng chuyển dịch từ xe xăng sang ô tô điện được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, theo xu hướng chung của thế giới.

Dẫn chứng, ông Lực cho biết: "Tốc độ tăng trưởng xe điện trên toàn cầu đã tăng  như vũ bão trong những năm gần đây. Giai đoạn  2019-2023, tốc độ tăng trưởng xe điện tăng khủng khiếp 555%, từ 7,3 triệu xe 2019 lên 40,5 triệu xe vào 2023".

Năm 2023, Trung Quốc chiếm 54% thị phần xe điện toàn cầu, châu Âu chiếm 28%, Hoa Kỳ 12% và các nước còn lại 6%.

Tuy nhiên, chỉ ra những thách thức trong phát triển thị trường xe năng lượng xanh tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương, Bộ Công thương cho biết: "Quy định, quy chuẩn chính sách thu hút đầu tư phát triển giao thông xanh, xe điện chưa hấp dẫn. Chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc, quy định về phòng cháy chữa cháy, mạng lưới điện chưa đồng bộ, thuế phí liên quan đến nhập khẩu xe năng lượng mới còn cao.

"Các đối tác của chúng tôi gặp khó khi tiến hành đầu tư trạm sạc, phần lớn đều vướng liên quan đến đất đai, phòng cháy chữa cháy, nguồn điện…, do đó, phải gỡ nhanh những trở ngại này, ông Lực đề xuất.

Nhìn sang nhiều quốc gia, Chính phủ đã đưa ra những quy định về việc thay đổi loại phương tiện từ thuần xăng, dầu sang điện hóa như xe hybrid và xe thuần điện cũng như chính sách ưu đãi về thuế phí cho các hãng xe năng lượng xanh.

Các chuyên gia tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến”,
Các chuyên gia tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến”.

Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): "Ngành công nghiệp phát triển theo từng giai đoạn, và Việt Nam đang trong giai đoạn duy trì, rất cần chính sách của Nhà nước về thuế/phí nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển, từ đó tăng dung lượng thị trường, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thu hẹp khoảng cách giữa CKD và CBU, tạo dựng nền móng chuyển sang giai đoạn tăng trưởng".

"VAMA ủng hộ chủ trương của Chính phủ thực hiện cam kết tại COP21 và COP26. Hướng tới những mục tiêu quan trọng này, Chính phủ cần ban hành những chính sách, kế hoạch hành động cụ thể, theo lộ trình phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, điều kiện phát triển của ngành công nghiệp ô tô, hỗ trợ chiến lược phát triển của các nhà sản xuất và tham khảo kinh nghiệm quốc tế ", ông Quyết nhấn mạnh.

Để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xe xanh, Công ty BYD đề xuất, Chính phủ nên ưu đãi thu hút đầu tư hạ tầng, trạm sạc, kinh doanh vận tải, xe công nghệ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...

Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể về đầu tư lắp đặt, vận hành trạm sạc công cộng, an toàn phòng cháy chữa cháy, kết nối lưới điện đủ công suất....

Đại diện Bộ Công thương, ông Đặng Hoàng Mai cho hay: "Mở cửa đón nhận những dòng xe xanh thân thiện môi trường, thì chính sách cần mạnh hơn, hỗ trợ sâu hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển".

VAMA có những ý tưởng về lộ trình phát triển xe xanh chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn khởi đầu, cần kích cầu trên thị trường với ưu đãi nhiều như về thuế, phí cho các dòng xe, hỗ trợ quy định tiêu chuẩn phát triển, tiêu chuẩn về hỗ trợ trạm sạc, mạng lưới sạc nhanh hoặc sạc tại nhà, hỗ trợ cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Đến giai đoạn hai, tức là giai đoạn tăng trưởng nhanh, giảm bớt hỗ trợ cho dòng xe HEV và PHEV và vẫn duy trì những hỗ trợ tài chính cho hệ thống sản xuất.

Từ năm 2041 trở đi thì lúc đó là thị trường đã đã ổn định thì không cần có hỗ trợ nào nữa gọi là thị trường phát triển ổn định.

Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến"
Sáng ngày 29/8/2024, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến”, đóng góp thêm ý kiến, kiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư