Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 07 năm 2025,
Can thiệp trong “giờ vàng” cứu bệnh nhân đột quỵ
D.Ngân - 20/07/2025 18:51
 
Chỉ trong vòng 30 phút từ khi nhập viện, một cụ bà 70 tuổi đã được các bác sỹ cấp cứu kịp thời bằng phương pháp tiêm thuốc tiêu sợi huyết, vượt qua cơn đột quỵ nguy hiểm.

Vừa qua, Đơn vị Cấp cứu thuộc Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh quận 7 tiếp nhận một người bệnh nữ 70 tuổi trong tình trạng yếu liệt nửa người bên trái.

Đây là dấu hiệu điển hình của đột quỵ. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và bắt đầu xuất hiện triệu chứng từ khoảng 18 đến 19 giờ cùng ngày.

Hình chụp CT vị trí nhồi máu não. 

Ban đầu, bệnh nhân cảm thấy tê nửa người bên trái, sau đó triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, chỉ một giờ sau, tình trạng tê liệt lại tái diễn và kéo dài, kèm theo biểu hiện yếu dần nửa người, méo miệng và nói khó. Đến khoảng 21 giờ, bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng và được người nhà đưa vào cấp cứu lúc hơn 22 giờ.

Ngay khi tiếp nhận, bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Vinh Quang đã khẩn trương đánh giá tình trạng và kích hoạt quy trình "Code Stroke", một quy trình cấp cứu đột quỵ chuyên biệt, ưu tiên tối đa về thời gian và phối hợp liên chuyên khoa. Bệnh nhân được đưa đi chụp CT và MRI não để xác định nguyên nhân gây đột quỵ.

Kết quả từ hệ thống CT hiện đại Somatom Force VB30 (hãng Siemens, Đức) cho thấy, không có xuất huyết não, xác định bệnh nhân bị nhồi máu não cấp.

Điều này đồng nghĩa người bệnh đang trong "thời gian vàng", tức khoảng 4,5 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng là khoảng thời gian tối ưu để can thiệp điều trị hiệu quả.

Sau hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Tuyết Sương (Đơn vị Thần kinh), các bác sỹ quyết định tiến hành điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Trước đó, huyết áp của bệnh nhân được ghi nhận ở mức rất cao, lên tới 232/125 mmHg nên phải xử lý ổn định huyết áp trước khi tiêm thuốc. Ngay sau đó, bác sỹ Sương đã tiêm thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch để làm tan cục máu đông, nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu não.

Theo bác sỹ Quang, toàn bộ quá trình từ khi bệnh nhân nhập viện đến lúc được tiêm thuốc chỉ mất khoảng 30 phút. Đây là yếu tố then chốt giúp tăng khả năng sống sót, hạn chế tối đa nguy cơ tàn phế và giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng.

Sau can thiệp, huyết áp bệnh nhân được kiểm soát tốt, sức cơ tay chân cải thiện (mức độ 4/5), nói rõ hơn và được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để theo dõi và phục hồi chuyên sâu. Sau gần một tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện với tình trạng ổn định.

Bác sỹ Quang nhấn mạnh, đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế nguy hiểm, xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, làm gián đoạn dòng máu nuôi não, dẫn đến chết tế bào thần kinh hàng loạt.

Ước tính mỗi phút có gần 2 triệu tế bào thần kinh bị phá hủy nếu không can thiệp kịp thời. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ liệt nửa người, sống thực vật hoặc tử vong.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quy trình "Code Stroke" đã được triển khai đồng bộ, giúp rút ngắn thời gian xử trí đột quỵ xuống dưới 30 phút, thậm chí nhanh hơn 20 phút trong một số trường hợp.

Quy trình này được xây dựng theo "tiêu chuẩn kim cương" của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) với mục tiêu cấp cứu hiệu quả trong "giờ vàng", hạn chế tối đa biến chứng.

Người bệnh được ưu tiên chụp CT/MRI ngay tại phòng cấp cứu, được đánh giá nhanh và điều trị ngay tại phòng chụp nếu cần, thay vì phải di chuyển nhiều lần. Việc liên kết chặt chẽ giữa các chuyên khoa giúp nâng cao tỷ lệ cứu sống và phục hồi sau đột quỵ.

Các dấu hiệu thường gặp của đột quỵ bao gồm méo miệng, yếu hoặc liệt tay chân một bên, nói ngọng hoặc khó nói, nhìn mờ, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế có khả năng can thiệp đột quỵ trong thời gian sớm nhất.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Gần một nửa số ca sống sót sau đột quỵ nhưng phải chịu các di chứng nặng nề như liệt, mất khả năng nói, co cứng cơ, rối loạn nuốt, thậm chí tái phát nhồi máu cơ tim.

Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi, người mắc bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, lối sống ít vận động hoặc ăn uống thiếu lành mạnh.

Việc nhận biết sớm dấu hiệu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và áp dụng các quy trình cấp cứu hiện đại như “Code Stroke” chính là chìa khóa để giành lại sự sống và chất lượng sống cho người bệnh đột quỵ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư