Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Cần Thơ: Gian nan tìm nguồn cát cho các công trình trọng điểm
Trúc Giang - 19/04/2024 16:20
 
Hiện nay, một trong những vấn đề TP. Cần Thơ rất quan tâm là đảm bảo vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm.

Thông tin tại cuộc họp quan báo chí định kỳ I/2024 do UBND TP. Cần Thơ tổ chức sáng ngày 19/4/2024, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, nguồn cát làm nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở TP. Cần Thơ rất khan hiếm, đồng thời giá rất cao. Giá khi lập dự toán dao động chỉ khoảng 200 ngàn đồng/m3, nhưng tới thời điểm này giá mua thương mại cũng khoảng trên dưới 300 ngàn đồng/m3.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ, đối với các dự án do UBND TP. Cần Thơ là cấp quyết định đầu tư hoặc giao cho các đơn vị làm chủ đầu tư, theo tổng hợp nhu cầu cát sử dụng làm nền đường cho các tuyến Đường Vành đai phía Tây, ĐT 917, ĐT 918, 921, 923 là khoảng 2,1 triệu m3, nhưng hiện nay các nhà thầu thi công chỉ mới thu xếp được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại rất khó khăn trong việc đi tìm các nguồn cát.

Thi công trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Đối với các tuyến cao tốc đi qua địa bàn TP. Cần Thơ là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, 2 cao tốc này được áp dụng cơ chế giao mỏ.

Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trên địa bàn TP. Cần Thơ triển khai 10 km nút IC2, nhu cầu cát làm nền đường khoảng 800 ngàn m3. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thì đã cơ bản thu xếp, cân đối đủ, nguồn cát này lấy từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trên địa bàn TP. Cần Thơ có chiều dài là 37,8 km, nhu cầu sử dụng cát để làm nền đường khoảng 5,3 triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ mới cân đối được 2,4 triệu m3, số còn lại chưa cân đối được.

Ông Lê Tiến Dũng cho rằng, hướng tới, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cũng như các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang để tham mưu, xem xét các nguồn còn lại ở các mỏ để kiến nghị UBND các tỉnh cân đối nguồn cát này hỗ trợ cho TP. Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại cuộc họp báo

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhấn mạnh, hiện nay một trong những vấn đề rất quan trọng của thành phố là vật liệu san lấp để đảm bảo các công trình. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tích cực làm việc với các tỉnh để hỗ trợ nguồn cát, qua đó, An Giang cung cấp 1 mỏ cát, tiếp tục là Đồng Tháp, Vĩnh Long. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng đã tổ chức đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này còn khoảng 8 triệu m3 cát, nhưng đó là kết quả khảo sát trước đây. Bây giờ cần phải tiến hành khảo sát lại xem lượng cát đó có còn đủ không, nếu còn đủ thì tỉnh Sóc Trăng cam kết giải quyết cho Cần Thơ khoảng 8 triệu m3 cát để ưu tiên làm cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đặc biệt, theo ông Dương Tấn Hiển, mới đây lãnh đạo TP. Cần Thơ cũng vừa tiếp Đại sứ Campuchia, lượng cát Campuchia còn rất nhiều để cung cấp cho TP. Cần Thơ cũng như Việt Nam nói chung. Nhưng vấn đề giá cả thì hiện nay chưa thống nhất được, do giá rất cao. Giá từ Campuchia xuất bán tại Việt Nam là 200 ngàn đồng/m3, nhưng đường vận chuyển từ phao số 0 về tới Cần Thơ bơm lên giá bán đội lên tới 300 ngàn đồng/m3.

“Chúng tôi tìm các giải pháp để làm sao phải có cát để giải quyết các công trình trọng điểm giao thông, khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, và kể cả sân golf đang thi công cũng đang thiếu cát… Đây là vấn đề mà lãnh đạo thành phố rất quan tâm tháo gỡ”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ.

Thiếu cát san lấp, 3 dự án giao thông trọng điểm tại TP. Cần Thơ gặp khó khăn
Hiện nay, tình hình triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Cần Thơ gặp một số khó khăn, đặc biệt là thiếu cát san lấp, từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư