Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cần Thơ sẵn sàng tiếp nhận làn sóng dịch chuyển vốn FDI
Hoàng Nghị - 15/02/2021 10:34
 
TP. Cần Thơ kiến nghị bổ sung 2 khu công nghiệp là Ô Môn - Cần Thơ và Vĩnh Thạnh để sẵn sàng tiếp nhận làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Khu công nghiệp Trà Nóc (TP. Cần Thơ) nhìn từ sông Hậu
Khu công nghiệp Trà Nóc (TP. Cần Thơ) nhìn từ sông Hậu

Sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định

Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phát triển 8 KCN, với tổng diện tích trên 2.349 ha, gồm Trà Nóc I (135,67 ha), Trà Nóc II (150,5 ha), Hưng Phú I (262 ha), Hưng Phú 2A (134,3 ha), Hưng Phú 2B (67 ha), Thốt Nốt (600 ha), Ô Môn (600 ha) và Bắc Ô Môn (400 ha). Trong  đó, 6 KCN là Trà Nóc I, Trà Nóc II, Hưng Phú I, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B và Thốt Nốt đã được thành lập với diện tích trên 832 ha.

Tính đến cuối năm 2020, các KCN tại Cần Thơ có 251 dự án còn hiệu lực, cho thuê 397,3 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 1,766 tỷ USD, vốn thực hiện là 1,133 tỷ USD. Trong đó, có 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 395,86 triệu USD, một dự án ODA đang hoạt động với vốn đầu tư đăng ký là 21,13 triệu USD.

Tính trong 4 năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN của Cần Thơ đạt tổng doanh thu 6,753 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 2,596 tỷ USD, thực hiện nghĩa vụ thuế là 8.319 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động.

Điều chỉnh quy hoạch để tiếp nhận làn sóng đầu tư

Cần Thơ đang đứng trước cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư khi trong thời gian gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được khẩn trương thi công. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến và sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2021. Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khởi công nhằm kết nối thông suốt tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ vào năm 2023.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Nhằm xây dựng các KCN đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vào cuối tháng 12/2020, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường đã ký Tờ trình số 233/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh Quy hoạch Phát triển các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND TP. Cần Thơ kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch đối với các KCN không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, gồm: KCN Ô Môn (diện tích 600 ha, phường Phước Thới, quận Ô Môn); KCN Bắc Ô Môn (diện tích 400 ha, phường Thới Long, quận Ô Môn) và KCN Thốt Nốt - giai đoạn II (diện tích 400 ha, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh).

Đồng thời, bổ sung các KCN vào Quy hoạch Phát triển KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gồm: KCN Ô Môn - Cần Thơ, có vị trí quy hoạch dự kiến tại phường Trường Lạc (quận Ô Môn), quy mô diện tích khoảng 500 ha và KCN Vĩnh Thạnh, có vị trí quy hoạch dự kiến tại xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh), quy mô diện tích khoảng 900 ha.

Vị trí xây dựng KCN Ô Môn - Cần Thơ và KCN Vĩnh Thạnh có điều kiện thuận lợi về giao thông bộ, có khả năng liên kết phát triển đối ngoại cao, có nguồn cung ứng nguyên liệu, lao động, dịch vụ dồi dào, phong phú.

Cụ thể, KCN Ô Môn - Cần Thơ nằm cạnh tuyến đường Tỉnh 922 mới và vị trí quy hoạch tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang và Campuchia, gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang, An Giang và TP.HCM, thuận lợi về giao thông đường bộ, khả năng liên kết phát triển cao.

KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và TP.HCM, dọc theo vị trí quy hoạch tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang và Campuchia.

Khu vực quy hoạch KCN Ô Môn - Cần Thơ và KCN Vĩnh Thạnh chủ yếu là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm. Do vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ có chi phí thấp hơn vị trí cũ đã có nhiều nhà dân hiện hữu, việc triển khai sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND TP. Cần Thơ sẽ triển khai sớm, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư vào 2 KCN này.

Hải Phòng: Các KCN phấn đấu mỗi năm thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI
Sáng 07/02, Thành ủy Hải Phòng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư