Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Cảng Phước An thay đổi mục đích sử dụng vốn đợt phát hành 32 triệu cổ phiếu
Duy Bắc - 16/09/2024 12:43
 
Vừa huy động 384 tỷ đồng trong tháng 7/2024, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP - UPCoM) thực hiện thay đổi mục đích sử dụng vốn, tăng tiền thanh toán chi phí quản lý.

Chi phí quản lý tăng mới 8 tỷ đồng

Cảng Phước An công bố bổ sung tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến chậm nhất trước 10h30 ngày 23/9/2024.

Trong đó, Công ty trình cổ đông thay đổi mục đích sử dụng vốn đợt chào bán tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng.

Công ty cho biết mục đích sử dụng 384 tỷ đồng trước thay đổi là dùng 299,32 tỷ đồng thi công xây dựng Bến cảng, kè bảo vệ bờ, đường bãi, cầu nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện và công trình phụ trợ dự án Cảng Phước An phân kỳ 1; và còn lại 84,68 tỷ đồng cung cấp, lắp đặt 2 STS và 6 RTG.

Mục đích sử dụng vốn mới được Cảng Phước An xin ý kiến cổ đông (Nguồn: PAP)
Mục đích sử dụng vốn mới được Cảng Phước An xin ý kiến cổ đông. (Nguồn: PAP)

Tuy nhiên, theo phương án mới trình cổ đông, Cảng Phước An dự kiến chỉ dùng 291,32 tỷ đồng để thi công xây dựng Bến cảng, kè bảo vệ bờ, đường bãi, cầu nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện và công trình phụ trợ dự án Cảng Phước An phân kỳ 1, giảm 8 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu; dùng 84,68 tỷ đồng cung cấp, lắp đặt 2 STS và 6 RTG, không thay đổi so với kế hoạch ban đầu: và bổ sung thêm kế hoạch giải ngân mới 8 tỷ đồng để thanh toán chi phí quản lý dự án phân kỳ 1.

Trước đó, kết thúc đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 23/7, Cảng Phước An đã phát hành được 32 triệu trong tổng 38 triệu cổ phiếu đăng ký, tương ứng tỷ lệ chào bán thành công là 84,2% tổng cổ phiếu chào bán với giá 12.000 đồng/cổ phiếu và huy động được 384 tỷ đồng, còn lại 6 triệu cổ phiếu không chào bán được.

Điểm đáng lưu ý, trong danh sách nhà đầu tư thực tế mua so với danh sách dự kiến mua, ông Trương Công Nghĩa dự kiến mua 10 triệu cổ phiếu nhưng cuối cùng chỉ mua 4 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 1,86% vốn điều lệ. Ngược lại, bốn nhà đầu tư Nguyễn Thanh Hoàng, Phan Thế Anh, Trần mạnh Cường và Bành Xuân Hoài đã lần lượt mua toàn bộ cổ phiếu đã đăng ký là 6,5 triệu, 6,5 triệu, 6,5 triệu và 8,5 triệu cổ phiếu.

Như vậy, sau đợt phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ của Cảng Phước An sẽ tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng.

Cảng Phước An tiếp tục lỗ nửa đầu năm 2024

Theo tìm hiểu, Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Petrovietnam sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ khiến sở hữu nhà nước bị pha loãng: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; và năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Trải qua 5 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của Petrovietnam sở hữu tại Cảng Phước An vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 79,54%, về 15,09% vốn điều lệ, tức giảm 64,45% vốn điều lệ.

Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn vị này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An thay cho Petrovietnam.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Cảng Phước An tiếp tục lỗ thêm 1,92 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,88 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do không ghi nhận doanh thu trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 1,55 tỷ đồng, chi phí tài chính là 4,85 tỷ đồng và ngược lại doanh thu tài chính là 4,48 tỷ đồng.

Như vậy, không có doanh thu, doanh thu tài chính tạo ra không đủ trả chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, vì vậy Cảng Phước An tiếp tục lỗ trong quý II/2024.

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Cảng Phước An tiếp tục lỗ 3,42 tỷ đồng so cùng kỳ lỗ 3,31 tỷ đồng.

Được biết, kể từ quý II/2021 đến quý II/2024, Cảng Phước An liên tục duy trì kinh doanh thua lỗ, nâng tổng số quý lỗ liên tiếp lên tới 13.

Với việc tiếp tục lỗ trong nửa đầu năm 2024, tính tới 31/3/2024, tổng lỗ luỹ kế của Cảng Phước An đã lên tới 17,33 tỷ đồng, bằng 0,87% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng).

Sở hữu của PVN tại Cảng Phước An có thể giảm còn 14,71%
Thông qua việc liên tục triển khai đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tại CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP), cổ đông nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư