Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cảng Quốc tế Long An đón đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Vân Linh - 30/11/2020 10:41
 
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có chuyến thị sát và làm việc tại tỉnh Long An.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã tiếp và làm việc với đoàn. 

Trong chương trình làm việc, đoàn đã đến khảo sát tuyến Đường tỉnh 823D (huyện Đức Hòa) và Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc) do Đồng Tâm Group làm chủ đầu tư.  

.
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc tại Cảng Quốc tế Long An

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem xét hỗ trợ vốn một số dự án của tỉnh như: Đường tỉnh 827E, Đường Tân Tập – Long Hậu, Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc Bến Lức đến Đường tỉnh 830), cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây TP.Tân An (điểm đầu là Đường tỉnh 827B và điểm cuối tại vòng xoay Quốc lộ 1, phường 5), cầu Đông An và cầu Tắc Cạn, Khu xử lý nước thải TP.Tân An,…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những kết quả mà Long An đạt được thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, Long An hoàn toàn có thể bứt phá, vươn lên nếu biết nắm bắt tốt thời cơ cũng như cơ hội để phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Long An bổ sung dự án Đường Tân Tập - Long Hậu vào danh mục vay vốn ODA và sẽ trình xem xét hỗ trợ 120 triệu USD vốn ODA cho Long An thực hiện các dự án như kiến nghị.

Tỉnh Long An cũng đã đầu tư hoàn thiện trục Tỉnh lộ 830 từ cảng kết nối QL50 và QL1 từ Cảng Quốc tế Long An đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thêm vào đó là dự án cao tốc Bến Lức Long Thành (thuộc cao tốc Bắc - Nam) thông xe vào cuối năm 2020, nối 4,89 km đường cao tốc đi qua tỉnh Long An ở hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM.

Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cảng Quốc tế Long An chính thức xây dựng từ năm 2015, nằm trong quần thể gồm 04 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng Quốc tế Long An; KCN Đông Nam Á Long An; Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu đô thị Đông Nam Á Long An.

Trong đó Cảng Long An có diện tích 147 ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là: 1.670m; Gồm 07 bến sà lan; Hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; Hệ thống Bãi container và các công trình phụ trợ khác.

Tất cả hạng mục cũng như hệ thống các trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023.

Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại Cảng là hơn 400.000 m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép… của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa. 

Tính đến nay, Cảng quốc tế Long An đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 với 3 cầu cảng có chiều dài 630m, cầu cảng thứ 4, thứ 5 và số 6 đang được triển khai xây dựng có thể đón được tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 & 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368 m, trở thành một trong những cầu cảng Quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Với quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt khoảng 80 triệu tấn/năm. Có thể nói, sự phát triển của Cảng Quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các Khu - Cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực. Đồng thời, giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các doanh nghiệp đầu tư, được các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đánh giá rất cao.

Vì tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long
Thận trọng và vô cùng khoa học là điều có thể thấy rõ đối với việc xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư