Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Căng thẳng tại Ukraine: Mỹ đồng ý "về nguyên tắc" cuộc gặp thượng đỉnh với Nga
Lê Quân - 22/02/2022 08:17
 
Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý "về nguyên tắc" cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đây có thể là nỗ lực ngoại giao cuối cùng nhằm xoa dịu căng thẳng Nga - Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bìa phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6/2021 tại Biệt thự cổ Villa la Grange, Geneva. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6/2021 tại Biệt thự cổ Villa la Grange, Geneva. Ảnh: AFP

Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki cho biết vào tối 20/2 rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga sẽ diễn ra sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Cuộc họp này dự kiến diễn ra trong cuối tuần.

"Như Tổng thống (Biden - BTV) đã nhiều lần tuyên bố rõ rằng chúng tôi cam kết theo đuổi kênh ngoại giao", bà Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh. "Tổng thống Biden đã đồng ý về nguyên tắc cuộc gặp với Tổng thống Putin nếu cuộc xâm lược không xảy ra. Chúng tôi luôn sẵn sàng với kênh ngoại giao".

Tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin rộ lên sau khi Nhà Trắng cảnh báo rằng Nga có thể tiến hành tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. 

Nguy cơ Nga tấn công Ukraine đã làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu trong nhiều tuần qua trong khi giá dầu liên tục leo thang. Từ đầu tháng đến nay, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã để mất 3,69%, còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite lao dốc 4,8%. Trái lại, giá dầu thô WTI giao sau của Mỹ tăng 4,2%.

Tổng thống Biden đã triệu tập cuộc họp hiếm hoi của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ để bàn về khủng hoảng Ukraine vào trưa ngày chủ nhật 20/2. Việc đột ngột hủy bỏ các kế hoạch vào kỳ nghỉ cuối tuần của Tổng thống Biden để chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia cho thấy chính quyền Mỹ nhận thấy rằng nguy cơ Nga tiến hành tấn công Ukraine đang rình rập.

Tổng thống Biden đã cuộc trao đổi với người đồng cấp Pháp, ông Emmanuel Macron. Ông Macron gần đây nổi lên như một nhà ngoại giao quan trọng giữa Mỹ và Nga trong tuần qua. Văn phòng Tổng thống Macron cho biết, riêng cuối tuần qua Tổng thống Pháp đã nói chuyện với Tổng thống Biden, Tổng thống Putin, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Cho đến nay, Moscow vẫn khẳng định họ không có kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời cho biết các lực lượng của họ ở Belarus sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong tuần này.

Dù lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, nhưng Nhà Trắng nhấn mạnh rằng vẫn còn khả năng dùng kênh ngoại giao. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dường như đã để ngỏ một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine.

"Họ (Nga - BTV) đã sẵn sàng tất cả để tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào. Không ai phủ nhận rằng tất cả các lực lượng này đã vào vị trí", ông Stoltenberg nhận định. "Câu hỏi là liệu họ có phát động một cuộc tấn công không", Tổng thư ký NATO nói thêm.

Những bình luận này được đưa ra sau khi quân đội Nga phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong một cuộc tập trận ngày 19/2 mà Điện Kremlin gọi là "cuộc tập trận theo kế hoạch của các lực lượng răn đe chiến lược".

Phương Tây chật vật tìm cách giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời đài CNBC rằng phương Tây sẽ phải làm việc "rất vất vả" để tìm các nguồn năng lượng khác ngoài Nga.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư