Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Cảnh báo kẽ hở chính sách từ vụ kiện trợ cấp tôm
Hà Tâm - 10/06/2013 15:26
 
Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đối phó với quyết định sơ bộ của Mỹ về thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam. Vụ việc này cũng là lời cảnh báo với các cơ quan quản lý trong việc đề phòng kẽ hở để một số đối thủ tấn công bằng hàng rào kỹ thuật.
TIN LIÊN QUAN

Các DN xuất khẩu tôm Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường,
không có sự trợ cấp từ Nhà nước

Thuê luật sư Mỹ

Theo phán quyết sơ bộ của Mỹ, mức thuế chống trợ cấp mà các DN xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam phải gánh chịu khá nặng, từ 5,08% đến 7,05%.

Nếu mức thuế trên được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của nước ta.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, không hề có sự trợ cấp từ Nhà nước.

Phán quyết của Mỹ, cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam, là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam không hề trợ cấp với ngành tôm. Từ thức ăn, con giống, nhân công… người dân đều phải tự lo liệu.

“Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra phán quyết sơ bộ như vậy nhằm cố tình bảo vệ người nuôi tôm nước họ, còn thực tế Việt Nam không hề trợ cấp. Do đó, việc quan trọng chúng ta cần làm là phải cung cấp số liệu để chứng tỏ điều này”, ông Tuấn nói.

Theo một lãnh đạo của Vasep, hiện các DN bị đơn bắt buộc của vụ kiện chống trợ cấp tôm đang thuê chính các luật sư Mỹ theo đuổi vụ kiện. Đây chính là những luật sư đã giúp ngành thép carbon chiến thắng trong một vụ kiện tương tự trước đó. Tuy nhiên, vụ kiện tôm có nhiều điểm phức tạp hơn, nên chưa thể đoán định được hồi kết.

Bài học ban hành chính sách

Dự kiến, trước tháng 8, DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng về mức thuế chống trợ cấp với tôm đông lạnh Việt Nam. Chiến thắng với tôm Việt Nam vẫn có thể xảy ra, nếu Chính phủ và các DN chuẩn bị thật tốt hồ sơ và số liệu để giải trình, chứng minh, phản biện lại các cáo buộc trợ cấp của Mỹ.

Để giành thắng lợi, DN và Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với nhau, trước hết là phải thống nhất về số liệu. Nếu không, DOC sẽ dễ dàng “moi” ra những điểm yếu, điểm sơ hở đó khi sang Việt Nam thẩm tra.

Ông Anh Tuấn cho rằng, đối phó với các vụ kiện chống trợ cấp sẽ phức tạp hơn các vụ kiện chống bán phá giá. Trong đó, việc ban hành văn bản ở Việt Nam cũng có thể là lỗ hổng khi các nước muốn “đánh” vào hàng xuất khẩu Việt Nam bằng hàng rào kỹ thuật.

Chính phủ rất muốn hỗ trợ người dân về hạ tầng, tín dụng, đất đai… Điều này thể hiện trên nhiều văn bản. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nên thực tế sự hỗ trợ này rất ít. “Đây có thể là cái cớ để DOC vin vào để cáo buộc. Đó cũng là bài học của Việt Nam khi ban hành các văn bản, rằng nếu có đủ lực thì hãy ban hành chính sách, nếu không sẽ gặp hiệu ứng ngược”, ông Tuấn nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư