Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cảnh báo khẩn với doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE
Ngô Nguyên - 23/07/2023 08:02
 
Giao dịch có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một người và cùng một ngân hàng tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dẫn đến các lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất trắng. Đáng lo ngại, UAE là một trong 10 đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
doanh nghiệp ngành điều Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của nhiều đối tượng lừa đảo nước ngoài
Doanh nghiệp ngành điều Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của nhiều đối tượng lừa đảo nước ngoài.

Doanh nghiệp xuất khẩu dính nạn

Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) Trần Hữu Hậu vừa có Thông báo số 45/TB-HHĐ gửi các doanh nghiệp ngành điều, thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân sang Dubai thuộc UAE.

Theo đó, VINACAS nhận được kêu cứu của  Công ty Tín Mai (trụ sở tại TP.HCM, chuyên kinh doanh xuất khẩu hạt tiêu, điều, cà phê…) với nội dung: doanh nghiệp này ký hợp đồng bán nhân điều cho một công ty trong lĩnh vực thực phẩm có trụ sở đặt tại số 1006, tòa tháp Mai, Al Nahda, Dubai. Tel +971 43868859, +971586001304; Email: [email protected] thông qua sàn thương mại điện tử. Người giao dịch trực tiếp: Mr. Naeem Chaudhry, Mob/Whatsapp: +971 58 600 1304, email: [email protected].

Sau khi ký kết, khách hàng đã ứng cho Công ty Tín Mai 15% giá trị đơn hàng. Công ty Tín Mai đã giao hàng và ngày 24/6/2023 đã đến cảng Jebel Ali, UAE.  Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6/2023, trong khi Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng.

Mặc dù, Ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua (tạm thời chưa nêu tên) yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ, nhưng không được thực hiện.

Theo một khảo sát của Công ty PwC (chuyên dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn pháp lý, tư vấn các thương vụ), 52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, đã từng là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế. Con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của
toàn cầu.

Đối tượng lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam là khách hàng (36%), nhà cung cấp (21%) và các bên trung gian, đại lý (14%)...

Qua kiểm tra thì bộ chứng từ của lô hàng đã được DHL (tập đoàn quốc tế trong ngành logistics) giao cho 1 nhân viên an ninh của ngân hàng bên mua, nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Trong khi đó, phía hãng tàu vận chuyển hàng cho biết, họ giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.

Trao đổi với báo chí, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch VINACAS cho biết, đây là sự việc hiếm có, xảy ra giữa Trung tâm tài chính Dubai.

Không chỉ ngành điều, theo cảnh báo khẩn cùng lúc, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin, còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự.

Cụ thể, báo cáo của các công ty ngành này cho biết, giao dịch xuất hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng tại Dubai, dẫn đến các lô hàng của các công ty đã bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE.

Có sự cấu kết quốc tế để lừa gạt doanh nghiệp Việt

VINACAS thận trọng khi cho rằng, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua. Thế nên, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan, ngoài việc liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ, VINACAS sẽ phối hợp với VPSA tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ các thông tin, từ đó chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc.

Còn VPSA trong cảnh báo gửi các hội viên thì nhận định thẳng thừng: Giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua nơi các doanh nghiệp này gửi bộ chứng từ nhờ thu, liên quan đến nhân sự và nghiệp vụ giao dịch của ngân hàng, có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Do đó, người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp nêu trên.

“Sự thất thoát này có vai trò và trách nhiệm liên đới của ngân hàng (nước ngoài) với người mua để cùng tổ chức và âm mưu thực hiện các giao dịch lừa đảo các lô hàng của các doanh nghiệp Việt Nam”, văn bản của VPSA nêu rõ.

Từ đó, VPSA đề nghị các doanh nghiệp hội viên hết sức cẩn trọng khi giao dịch với các khách hàng Dubai tại thị trường UAE.

UAE là một trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi.

Từng nhiều lần bị lừa, nhưng…

Đây là không phải là vụ đầu tiên, các đối tượng nước ngoài toan tính lừa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Hồi tháng 4/2023, cả VINACAS và VPSA đồng loạt gửi thông tin cảnh báo đến các doanh nghiệp hội viên sau khi Thương vụ Việt Nam tại Algeria có công điện cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu sang Algeria.

Theo Thương vụ Việt Nam, tháng 8/2022, một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng.

Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là Công ty Eurl ATS Food không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này không được phía Algeria công bố).

Chủ hàng là doanh nghiệp Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là Công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận với lý do công ty này mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng.

Theo quy định, hàng hóa nằm tại cảng 4 tháng rưỡi kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ. May mắn là, khi nhận được thông tin từ phía hải quan Algeria, VINACAS đã nhờ Thương vụ Việt Nam tại Algeria cung cấp hồ sơ chứng minh chủ hàng hợp pháp và đề nghị hủy việc đấu giá sung công quỹ. Nhờ đó, hải quan Algeria đã hủy việc đấu giá sung công quỹ và hoàn trả hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, cũng trong năm 2022, VINACAS đã phải họp báo khẩn thông tin, thông qua môi giới của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu đi Italia với số lượng 100 container hạt điều.

Hàng đi nhưng phát hiện nhiều vấn đề, một số doanh nghiệp còn hàng đã đóng chưa kịp vận chuyển đã khẩn cấp đề nghị ngân hàng ngăn chặn thu hồi chứng từ để dừng vận chuyển container. Kết cục, vẫn có nhiều doanh nghiệp và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương 160 tỷ đồng.

Sau đó, suốt nhiều tháng trời, với nhiều nỗ lực phối hợp xử lý của các cơ quan chức năng Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Italia, 36 container nêu trên đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ tới các vụ việc trên, từ năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng cảnh báo khi liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE.

Tương tự, từ năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, Nigeria, Algeria và Maroc… cũng thường xuyên gửi thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo ở các thị trường này.

Sau mỗi lần bùng lên các vụ lừa đảo như trên, hàng loạt cơ quan chức năng, chuyên gia đã phân tích chiêu thức, đưa ra cảnh báo, cùng những lời khuyên. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt vẫn cứ bị lừa.

Bởi vậy, với vụ việc đang xảy ra tại thị trường UAE, các chuyên gia cho rằng, điều kiện đầu tiên và tiên quyết để không rơi vào tình cảnh như thế này thì doanh nghiệp Việt đừng “hấp tấp” trước những hợp đồng có lợi nhuận khác thường.

Lưu ý của Bộ Công thương gửi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

- Cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, trong giao dịch lần đầu nên làm thử với giá trị hợp đồng vừa phải. Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng.

- Thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam như Thương vụ tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các doanh nghiệp không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm qua Internet.

- Nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ.

- Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên). Không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán.

- Cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ thông qua ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư