Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cảnh báo mạo danh ngân hàng để lừa đảo
T.V - 16/06/2021 08:14
 
Thị trường gần đây xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn của các ngân hàng để lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giao dịch online ngày càng được đông đảo người tiêu dùng sử dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường gần đây xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn của các ngân hàng để lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Chiêu thức phổ biến của các đối tượng lừa đảo là gửi tin nhắn SMS vào đường link giả mạo của các ngân hàng và yêu cầu nhập tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ Internet Banking để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Những đường link giả mạo thường chỉ khác một vài ký tự hoặc chi tiết hơn so với đường link thật của các ngân hàng nên dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Tin nhắn giả mạo ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) được gửi cho khách hàng. Ảnh: T.T

Hơn nữa, thủ đoạn lừa đảo cũng rất tinh vi, có thể kể đến hàng loạt tin nhắn như: “Đề cập đến việc chủ tài khoản đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ phải trả hàng tháng là 2 triệu đồng. Nếu không phải là người mở dịch vụ thì bấm vào đường link để hủy”; “Tài khoản của quý khách hiện tại đang bị khóa, đề nghị đăng nhập đường link để xác thực hôm nay”;

Hay thông báo: “Phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập đường link để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu”; “Cần xác nhận thông tin của bạn, hoàn thành thông tin được tặng thẻ 50 triệu đồng, mời vào đường link để xác nhận”…

Không chỉ mạo danh tin nhắn ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo khách hàng gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng, xác minh giao dịch khách hàng mới thực hiện, thông báo khách hàng bị lộ thông tin thẻ… nhằm đánh cắp thông tin khách hàng.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm trên và hạn chế thiệt hại về tài sản cho khách hàng, mới đây, Nam A Bank đã đưa ra những khuyến cáo cụ thể nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo.

Cụ thể, ngân hàng này khuyến cáo khách hàng tuyệt đối KHÔNG truy cập các đường link có sẵn trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; Không đăng nhập dịch vụ của Ngân hàng từ các tin nhắn lạ/trên các thiết bị công cộng.

Không cung cấp các thông tin giao dịch như: tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt, mã CVV2 in tại mặt sau thẻ và các thông tin cá nhân khác thông qua bất kỳ hình thức nào (điện thoại, email, mạng xã hội, …) và cho bất kỳ ai.

Đồng thời, khách hàng cũng không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động; Không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mật khẩu thư điện tử, mật khẩu đăng nhập vào các mạng xã hội và các ứng dụng khác.

Nam A Bank cũng khuyến khích khách hàng đọc kỹ các tin nhắn, email, thông tin cảnh báo nhận được từ ngân hàng; gõ trực tiếp, đăng nhập đúng địa chỉ trình duyệt của Ngân hàng. 

Thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc ngay khi nghi ngờ có người khác biết; Sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn thông báo thay đổi số dư giao dịch; Tải ứng dụng về dịch vụ của Nam A Bank từ CHPlay hoặc Apps store; Không tải ứng dụng từ những kho dữ liệu khác; Thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến tại website Nam A Bank.

Vietcombank cũng vừa đưa ra cảnh báo 4 hình thức mà tội phạm thực hiện để lừa đảo khách hàng nhằm chiếm đoạt tài khoản, trộm tiền.

Theo đó, tội phạm tạo lập và sử dụng website/trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu Vietcombank để mời phát hành thẻ hoặc vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi có kèm đường dẫn lừa đảo của các diễn đàn, website mạo danh như https://www.vay-vietcombank.com.vn; https://vaytienvietcombank.com.vn; https://vietcombank-vaytinchap.com...

Khi truy cập vào các đường dẫn trên, khách hàng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và bản sao hồ sơ tài chính cá nhân theo thông tin liên hệ của đối tượng lừa đảo (đối tượng lừa đảo chỉ cung cấp thông tin liên hệ là email; điện thoại và thường không gặp mặt trực tiếp).

Trong một số trường hợp, khách hàng bị yêu cầu chi trả một khoản phí hỗ trợ hồ sơ thẻ tín dụng/vay và giải ngân tiền. Ngay sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ theo các số điện thoại của đối tượng lừa đảo.

Vietcombank khẳng định, mọi yêu cầu đề nghị cấp tín dụng/phát hành thẻ tín dụng của khách hàng tại Vietcombank được thực hiện đầy đủ theo quy trình và tuân thủ đúng pháp luật.

Ngân hàng không yêu cầu khách hàng chi trả phí cho hoạt động tư vấn đề nghị cấp tín dụng/phát hành thẻ tín dụng. Các chi phí cung cấp dịch vụ (nếu có) đều được niêm yết và thông báo công khai theo quy định của pháp luật. Khách hàng không truy cập vào các đường dẫn diễn đàn, website mạo danh thương hiệu ngân hàng.

Chiêu lừa đảo thứ hai là tội phạm lập trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu Vietcombank để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp vướng mắc về sản phẩm dịch vụ của Vietcombank nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản của khách hàng.

Đề tạo niềm tin, họ sao chép một số bài viết về sản phẩm dịch vụ trên các kênh thông tin chính thức của Vietcombank và đăng tải mời gia nhập trên các trang mạo danh này.

Khi khách hàng tham gia trên những trang này, chúng sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin về giao dịch, tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử của cá nhân và từ đó chiếm đoạt thông tin tài khoản, tiền trong tài khoản.

Vietcombank khuyến cáo khách hàng không truy cập vào các trang mạng xã hội mạo danh Vietcombank và đăng nhập các thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ…

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, tại Việt Nam đang phát sinh các sự vụ lừa đảo, mạo danh một số ngân hàng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản, thẻ của khách hàng. :

Đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn SMS giả mạo brandname của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, tương tự giao diện dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng.

Sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ,… để chiếm đoạt tiền... Vì thế, các khuyến cáo còn đưa ra, nhân viên ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu hoặc mã OTP trong bất kỳ trường hợp nào.

Cảnh giác kẻ gian dùng tài khoản Zalo giả mạo bạn bè lừa đảo vay tiền
Rất nhiều người dùng Zalo tỏ ra hoang mang khi bị kẻ gian dùng tài khoản có ảnh đại diện tương tự mình để đi lừa đảo vay tiền hàng loạt bạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư