Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 07 năm 2024,
Cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả
D.Ngân - 30/07/2024 10:33
 
Bộ Y tế cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả xuất hiện trên thị trường và đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi, xử lý sản phẩm vi phạm nếu có.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả, trong đó đề nghị phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Cefixim 200 giả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

Bộ Y tế cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả xuất hiện trên thị trường và đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi, xử lý sản phẩm vi phạm nếu có.

Theo đó, Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được công văn gửi kèm Phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixim 200, số GĐKLH: VD-28887-18, số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa lấy tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Hưng Thịnh (địa chỉ: 207 tiểu khu Hưng Long, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở. Sau đó, Cục Quản lý Dược nhận được công văn của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương, gửi kèm Phiếu Kiểm nghiệm báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim Cefixim 200, số GĐKLH: VD-28887-18, số lô: 28201123, NSX: 201123, HD: 201125, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương lấy tại quầy thuốc tây Thanh Duy (địa chỉ: 174, tổ 4, Lai Khê, Lai Hưng huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở

Tiếp đó, ngày 23/7/2024, Công ty Cổ phần Dược Cửu Long cũng đã có Công văn số 284/DCL báo cáo việc sản xuất các lô thuốc CEFIXIM 200 và dấu hiệu khác biệt giữa mẫu thuốc lưu tại công ty và mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa thu được trên thị trường.

Căn cứ trên những kết quả này, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống thuốc giả CEFIXIM 200.

Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén bao phim CEFIXIM 200, số GĐKLH: VD-28887- 18; số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725, số lô: 04200623, NSX: 200623, HD: 200625 và số lô: 28201123, NSX: 201123, HD: 201125; Cơ sở sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:

Dấu hiệu phân biệt thuốc thật - giả.

Qua vụ việc nêu trên Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công văn số 7173/BYT-QLD của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Cefixim 200 giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên; chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp;

Không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.

Phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn;

Điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Cefixim 200 giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành;

Cùng đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc Cefixim 200 giả. Chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.

Thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

Cũng về vấn nạn thuốc giả, vừa qua, cơ quan chức năng cũng nhận được các văn bản của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd. Thụy Sỹ tại Hà Nội thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32.

Mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả do khách hàng cung cấp đã được Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd. so sánh, đối chiếu và xác nhận có các dấu hiệu khác biệt so với mẫu lô thuốc Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32 do công ty này phân phối và chỉ lưu hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, trong số mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.

Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thật - giả được đặt cạnh nhau.

Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng thừa nhận, bằng phương pháp thông thường, không thể dễ dàng phát hiện thật, giả một cách chính xác.

Kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả của một sản phẩm, nhưng cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Áp dụng công nghệ để nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Nạn thuốc giả hoành hành gây nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn rất nhiều tiền để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người bệnh vì nghĩ rằng mình đã lâm vào tình trạng “hết thuốc chữa”.

Thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị, vì nó có thể làm vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị. Trường hợp người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, kháng sinh, mà dùng phải thuốc giả, thì thời điểm vàng để cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí có thể tử vong.

Người bệnh dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, buộc bác sĩ phải thay đổi quy trình điều trị, khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí rất tốn kém.

Những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn… (phải dùng thuốc thường xuyên, kéo dài) nếu dùng phải thuốc giả thì rất nguy hiểm cho tính mạng, vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn.

Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, dược chất kém chất lượng do quy trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, người sản xuất pha trộn thêm nhiều loại tạp chất khác, thậm chí có thể lẫn cả chất độc, thì người dùng thuốc có thể tử vong.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân nên mua thuốc tại địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng Internet tại các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.

Trước vấn nạn thuốc giả, thuốc “nhái”, ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, Bộ Y tế cho rằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng Internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.

Thuốc là sản phẩm đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người. Do đó, cần kiên quyết loại bỏ những sản phẩm giả, nhái và kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe người dân. Người dân cũng nên nêu cao cảnh giác với thuốc giả, thuốc nhái, nhất là với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư