Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cảnh giác bệnh lý hô hấp khi chuyển mùa
D.Ngân - 31/10/2023 11:28
 
Thời điểm giao mùa là thời điểm rất nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện vì thế bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho con trẻ.

Đưa con tới bệnh viện khám sau khi bé bị ho, sốt, và tức ngực, thở nhanh. Chị Minh Anh, ở Hà Nam tá hỏa khi bác sĩ cho biết bé bị viêm phế quản cần nhập viện điều trị vì tình trạng đã trở nặng.

Thời điểm giao mùa là thời điểm rất nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện vì thế bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho con trẻ.

Chia sẻ với bác sĩ, chị Minh Anh cho biết cách đây 5 ngày khi con đi nhà trẻ về, thấy cháu bị ngây ngất sốt và mệt mỏi, chị nghĩ con chỉ bị cảm vì thời tiết thay đổi nên cũng chủ quan không quá để ý.

Cho uống thuốc tự mua ở hiệu thuốc nhưng tình trạng không khỏi mà còn trở nặng, chị vội đưa con tới bệnh viện thì nhận được kết quả trên.

Theo BSCKI Hà Tố Như của Bệnh viện An Việt, viêm phế quản thời gian qua có dấu hiệu gia tăng, số lượng trẻ nhập viện điều trị khá nhiều.

Việc trời trở lạnh chỉ là yếu tố làm tăng tỷ lệ bị chứ không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra viêm phế quản. Viêm phế quản ở trẻ thường do một số loại virus như Adenovirus, Influenza, Parainfluenza, các nguyên nhân vi trùng dù rất hiếm gặp và một số nguyên nhân khác như dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, nấm... Thời tiết trời chuyển lạnh khi sang Thu đông chỉ là yếu tố nguy cơ.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác như sức đề kháng kém, tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, trào ngược dạ dày… cũng làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản ở trẻ. Khi trẻ bị viêm phế quản sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, ho, khạc đờm, khó thở, tức ngực, thở nhanh…

Trong những trường hợp nhẹ cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà như cho trẻ nghỉ ngơi, làm sạch mũi, uống nhiều nước, giữ cho trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá, giữ môi trường sạch sẽ và thoáng mát.

BSCKI Hà Tố Như lưu ý, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu con có các triệu chứng như thở nhanh, sốt cao khó hạ, không ăn uống được, nôn ói nhiều... cũng như các dấu hiệu bệnh nặng khác.

Thời điểm giao mùa là thời điểm rất nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện vì thế phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho con, cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng sức đề kháng, vệ sinh sạch sẽ và đi khám khi có những bất thường về sức khỏe.

Cũng về bệnh lý hô hấp, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gần đây gia tăng bệnh nhi và người cao tuổi bị viêm phổi vào nhập viện. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở.

Bác sĩ Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện 108 cho biết, các bệnh nhi tới khám thường dấu hiệu sốt cao, ho đờm nhiều, thở nhanh, quấy khóc liên tục.

Nếu viêm phổi nặng trẻ có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi nhiều, bỏ ăn, suy hô hấp. Thời điểm giao mùa nên nhiều bệnh nhi đến thăm khám vì nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao. Tại Khoa Nhi, trên 50% trẻ nhập viện là viêm phổi.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Những tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ em là phế cầu, virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn Mycoplasma…

Tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 108 có tới 40% bệnh nhân điều trị là người già. Số người già nhập viện do viêm phổi tăng cao hơn so với các thời điểm khác.

Nhiều người cao tuổi chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng nặng, phải thở oxy, thở máy. Có người cao tuổi khi bị sốt, ho, tức ngực, tự ra hiệu thuốc mua về uống không đỡ mới tới viện. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán mắc viêm phổi do phế cầu.

Theo các bác sĩ, với người bị suy giảm miễn dịch, khi mắc viêm phổi do phế cầu biến chứng tăng nặng. Với những trường hợp nghi ngờ viêm phổi, đặc biệt viêm phổi do phế cầu phải đến viện ngay. Vi khuẩn phế cầu phải điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt, nếu điều trị muộn hiệu quả sẽ giảm đi.

TS.Phạm Văn Luận, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 108 cho biết, người cao tuổi khi viêm phổi tình trạng trở lên rất nặng nề là do có nhiều bệnh lý kết hợp như phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh về tim mạch, đái tháo đường.

Khi mắc viêm phổi trên nền bệnh mãn tính, càng tăng nặng tình trạng bệnh. Ngoài ra, người cao tuổi thường sức đề kháng kém, dễ nhiễm vi khuẩn, virus gây viêm phổi. Đáng chú ý, biểu hiện viêm phổi của người cao tuổi chẩn đoán khó khăn hơn.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân viêm phổi là sốt cao, rét run, nhưng ở bệnh nhân cao tuổi do phản ứng của cơ thế với các tác nhân nhiễm khuẩn giảm đi, có thể bệnh nhân không sốt; hoặc triệu chứng ho thường gặp trong viêm phổi nhưng ở người cao tuổi có thể có tình trạng của các bệnh lý hô hấp khác nên chồng lấp vào nhau, dẫn đến chẩn đoán sớm bệnh viêm phổi ở người già khó khăn hơn.

Cũng nói về bệnh lý viêm phổi, bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, hai tháng gần đây bệnh nhân viêm phổi đông hơn trước. Ở trẻ em, phần lớn viêm phổi do khuẩn nội bào Mycoplasma, phải xét nghiệm PCR mới phát hiện.

Theo bác sĩ Hạnh, những dấu hiệu ban đầu như ho, khạc đờm, đau họng, sốt nhẹ… khiến nhiều người chủ quan nghĩ cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nặng gây sốt cao, ho, đau ngực, khó thở.

"Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp tiến triển", bác sĩ Hạnh cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư