Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Cảnh giác với nhiều bệnh lý khi giao mùa
D.Ngân - 15/10/2023 12:54
 
Viêm da, viêm phổi… là những bệnh lý người dân cần chú ý khi thời tiết giao mùa, tránh những biến chứng nặng ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Biến chứng viêm phổi nặng

Thời tiết chuyển mùa khiến nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở. Viêm phổi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng đáng tiếc.

Theo lý giải của các chuyên gia y tế, bệnh lý viêm phổi thường tăng cao ở thời điểm giao mùa, do thời tiết và nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường tạo môi trường cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khiến đường thở khó thích nghi, nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc dùng quạt và điều hòa không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Những tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ em là phế cầu, virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn Mycoplasma…

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gần đây gia tăng bệnh nhi và người cao tuổi bị viêm phổi vào nhập viện. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở.

Bác sĩ Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện 108 cho biết, các bệnh nhi tới khám thường dấu hiệu sốt cao, ho đờm nhiều, thở nhanh, quấy khóc liên tục.

Nếu viêm phổi nặng trẻ có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi nhiều, bỏ ăn, suy hô hấp. Thời điểm giao mùa nên nhiều bệnh nhi đến thăm khám vì nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao. Tại Khoa Nhi, trên 50% trẻ nhập viện là viêm phổi.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Những tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ em là phế cầu, virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn Mycoplasma…

Tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 108 có tới 40% bệnh nhân điều trị là người già. Số người già nhập viện do viêm phổi tăng cao hơn so với các thời điểm khác.

Nhiều người cao tuổi chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng nặng, phải thở oxy, thở máy. Có người cao tuổi khi bị sốt, ho, tức ngực, tự ra hiệu thuốc mua về uống không đỡ mới tới viện. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán mắc viêm phổi do phế cầu.

Theo các bác sĩ, với người bị suy giảm miễn dịch, khi mắc viêm phổi do phế cầu biến chứng tăng nặng. Với những trường hợp nghi ngờ viêm phổi, đặc biệt viêm phổi do phế cầu phải đến viện ngay. Vi khuẩn phế cầu phải điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt, nếu điều trị muộn hiệu quả sẽ giảm đi.

TS.Phạm Văn Luận, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 108 cho biết, người cao tuổi khi viêm phổi tình trạng trở lên rất nặng nề là do có nhiều bệnh lý kết hợp như phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh về tim mạch, đái tháo đường.

Khi mắc viêm phổi trên nền bệnh mãn tính, càng tăng nặng tình trạng bệnh. Ngoài ra, người cao tuổi thường sức đề kháng kém, dễ nhiễm vi khuẩn, virus gây viêm phổi. Đáng chú ý, biểu hiện viêm phổi của người cao tuổi chẩn đoán khó khăn hơn.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân viêm phổi là sốt cao, rét run, nhưng ở bệnh nhân cao tuổi do phản ứng của cơ thế với các tác nhân nhiễm khuẩn giảm đi, có thể bệnh nhân không sốt; hoặc triệu chứng ho thường gặp trong viêm phổi nhưng ở người cao tuổi có thể có tình trạng của các bệnh lý hô hấp khác nên chồng lấp vào nhau, dẫn đến chẩn đoán sớm bệnh viêm phổi ở người già khó khăn hơn.

Cũng nói về bệnh lý viêm phổi, bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, hai tháng gần đây bệnh nhân viêm phổi đông hơn trước. Ở trẻ em, phần lớn viêm phổi do khuẩn nội bào Mycoplasma, phải xét nghiệm PCR mới phát hiện.

Theo bác sĩ Hạnh, những dấu hiệu ban đầu như ho, khạc đờm, đau họng, sốt nhẹ… khiến nhiều người chủ quan nghĩ cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nặng gây sốt cao, ho, đau ngực, khó thở.

"Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp tiến triển", bác sĩ Hạnh lo ngại.

Cảnh báo hệ lụy chữa viêm da khi giao mùa

Thời tiết chuyển dần khô hanh, các chuyên khoa da liễu tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về da. Nhiều ca đến viện với biến chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí nhiễm khuẩn, chảy dịch do tự ý điều trị theo đơn của người bán thuốc.

Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiêm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nếu có 10 bệnh nhân thì tới 9 người đã từng ra hiệu thuốc nói viêm da, và được bán cho loại thuốc chứa cả corticoid, kháng sinh, kháng nấm. Chúng tôi thường gọi là thuốc 3 thành phần.

Thông thường thuốc chứa corticoid là thuốc kháng viêm không đặc hiệu, giúp giảm triệu chứng viêm da rất nhanh, tuy nhiên không phải viêm da nào cũng được chỉ định dùng.

Chưa kể đến việc tự ý điều trị kéo dài, làm tổn thương trên da nặng hơn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, tác dụng phụ và thậm chí gây biến chứng.

Theo bác sĩ, viêm da có nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc do thời tiết, nhất là trong giai đoạn thời tiết giao mùa hiện nay. Và thường gặp nhất là viêm da cơ địa, biểu hiện khô, ngứa, chảy dịch, tái đi tái lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống hằng ngày.

Với viêm da cơ địa mạn tính, người bệnh nên phải dùng loại dưỡng ẩm phù hợp, chất rửa không chứa xà phòng, và một số phải dùng corticoid theo chỉ định của bác sĩ. Hết tổn thương, bệnh nhân không được tự ngừng thuốc mà phải duy trì và hạ liều để tránh tái phát.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bước vào mùa thu đông, làn da của chúng ta trở nên hanh khô, giảm sức đề kháng dẫn đến da bị suy yếu, kích ứng hay gặp các bệnh lý như viêm da, chàm, dị ứng, nấm da, vảy nến.

Cũng theo bác sĩ Linh, khó chịu nhất là khô da, vì nhiệt độ không khí mức thấp, độ ẩm thấp có ngày chỉ số ẩm chỉ 40-45%.

Cơ thể không được bổ sung kịp thời khiến tình trạng các tế bào sừng trên da bị mất nước, dẫn tới co nhỏ, làm lớp bảo vệ bên ngoài bị tổn thương, hư hỏng.

Khi bị tổn thương như vậy, các tế bào giãn rộng ra dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn bởi các chất kích ứng ngoài môi trường, xâm nhập sâu vào trong da. Nếu nhẹ thì bệnh nhân thấy hơi ngứa ngáy, bong tróc, mất thẩm mỹ; Nặng hơn là khô ngứa và xảy ra tình trạng viêm từng đám, mảng kiểu chàm, mụn nước…

Bên cạnh đó, cùng độ ẩm không khí thấp và khô da còn kích hoạt một số bệnh da liễu tiềm tàng. Chính vì vậy, những người vốn từng viêm da cơ địa hay vẩy nến thì mùa đông là mùa khiến các tổn thương da quay trở lại, nặng nề hơn, khó kiểm soát hơn.

Đa phần có biểu hiện da khô quá, ngứa ngáy khó chịu và càng gãi càng ngứa, gây tổn thương da trầm trọng hơn. Chú ý phòng ngừa cơn bùng phát bệnh, người bệnh cần vừa điều trị bệnh bằng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ vừa phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ vừa chăm sóc cho da.

Với các bệnh nhân mắc viêm da mạn tính, thuốc dùng trong giai đoạn bệnh bùng phát, chế độ chăm sóc phải thường xuyên, quanh năm để tổn thương không quay trở lại.

Do đây là bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm nhưng duy trì tốt giúp thời gian lui bệnh kéo dài, càng lâu càng tốt để đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư