Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cấp điện thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Thanh Hương - 13/12/2014 09:29
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa khởi công xây dựng hệ thống cung cấp điện phục vụ thi công Dự án Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1. Sông Đà 11 Thăng Long và CTCP SOMECO Sông Đà đảm nhiệm thi công hệ thống cấp điện cho dự án.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp Việt và cơ hội trong Dự án Điện Hạt nhân
Khai trương phòng trưng bày điện hạt nhân
Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân
Đà Lạt: Thêm lò phản ứng hạt nhân thứ hai
Tận mắt khám phá Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Công trình thuộc Dự án hạ tầng phục vụ thi công các Dự án NM ĐHN tại tỉnh Ninh Thuận có một đường dây 110kV mạch kép dài 13,63km, một trạm biến áp 110/220kV, 25 MVA đặt trong khu dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1, nhằm đảm bảo điều kiện khởi công và cung cấp điện ổn định trong suốt quá trình thi công xây dựng NMĐHN.

  Cấp điện thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận  
  Khởi công xây dựng hệ thống cung cấp điện phục vụ thi công Dự án Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1  

Chủ trương đầu tư Dự án NMĐHN Ninh Thuận đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009. Vào ngày 31/10/2010, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chọn Liên bang Nga là đối tác hợp tác xây dựng NMĐHN đầu tiên ở Việt Nam với việc kí kết Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại lễ khởi công dự án cấp điện phục vụ thi công NMĐHN đã nhấn mạnh mục tiêu, ý nghĩa chiến lược của điện hạt nhân - nguồn năng lượng có ý nghĩa tích cực thay thế các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Với thực tế này, việc phát triển các dự án điện hạt nhân với các lò phản ứng công suất lớn được xem là giải pháp đáp ứng phần đáng kể nhu cầu điện năng cho đất nước trong tương lai.

Được nghiên cứu kỹ lưỡng từ cách đây 20 năm, các bước triển khai Dự án NMĐHN được thực hiện cẩn trọng từ việc lựa chọn địa điểm xây dựng, lựa chọn công nghệ đáp ứng các tiêu chí về hiện đại, an toàn, kiểm chứng và hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chủ  đầu tư, nhà thầu quán triệt tinh thần triển khai của dự án tổng thể với tư cách là công trình trọng điểm quốc gia, có cơ chế đặc biệt và tiến hành cẩn trọng, lựa chọn được công nghệ thuộc hàng hiện đại nhất hiện nay (công nghệ hạt nhân 3+). Vì vậy, phải đảm bảo nhân lực, thiết bị, phối hợp chặt chẽ để triển khai xây dựng công trình đảm bảo tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Cũng liên quan tới tiến trình triển khai xây dựng NMĐHN tại Việt Nam, vào ngày 11/12/2014, tại Hà Nội, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM đã giới thiệu về Multi-D, công nghệ mô phỏng đa chiều tối tân đang được sử dụng trong thiết kế và xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân mà ROSATOM đang triển khai, trong đó có NMĐHN Ninh Thuận 1 tại Việt Nam.

Multi-D là công nghệ tích hợp, đa chiều giúp người dùng hữu hình hoá các thiết kế, quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đồng thời hỗ trợ đào tạo nhân sự bằng cách cập nhật thông tin, phân tích số liệu, tổng hợp dưới dạng đồ họa nhằm tạo môi trường có tính tương tác cao cho người dùng.

Ngoài  tạo ra các định dạng 3D nhằm kiểm soát hữu hình các thiết kế cũng như quy trình vận hành phần cứng của NMĐHN, Multi-D vượt trội trong khả năng giám sát hoạt động, dự báo nguy cơ và cảnh báo người dùng thông qua các thiết bị theo dõi được gắn trên các công nhân làm việc ở hiện trường. Multi-D cũng có khả năng giao việc cho các nhà thầu theo từng tuần, thậm chí từng ngày. Nhờ vậy mà quá trình thi công tổ máy số 3 nhà máy điện hạt nhân Rostov của Nga đã hoàn thành trước kỳ hạn với quỹ thời gian và tài chính được tiết kiệm đáng kể.

Không chỉ phục vụ các kỹ sư, công nghệ này còn có thể hỗ trợ đào tạo nhân sự bằng cách tập giả định trên mô hình ảo, từ đó nâng cao chất lượng và an toàn trong lắp đặt, cũng như giảm thời gian thi công.

Dự kiến nếu được áp dụng chặt chẽ theo đúng bộ quy chuẩn, công nghệ này sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tới 10%.

Đến nay, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Song song với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với việc cử 235/325 sinh viên và 24 kỹ sư học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản.

Các chuyên gia của ROSATOM cũng cho hay, ngoài một số thiết bị chuyên dụng chỉ sản xuất tại Nga như thiết bị chính của lò phản ứng chiếm khoảng 25% giá trị nhà máy điện hạt nhân, các doanh nghiệp tại nước sở tại có thể đảm nhiệm phần còn lại nếu đủ năng lực. Kinh nghiệm xây dựng NMĐHN nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, mức nội địa hóa từ 30% đến 40% là dễ đạt được.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư