Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
"Cấp thiết sửa các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh"
Hữu Tuấn - 26/07/2016 15:58
 
Ngày 26/7, tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2016, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tha thiết đề nghị phải sửa ngay các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Lộc, mặc dù ông cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 2016 và 2017 mà Ủy ban thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội, nhưng ông "đã thực sự thất vọng về việc Chương trình xây dựng pháp luật đã không có nội dung xem xét thông qua Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị".

Theo ông Lộc, Ủy ban thường vụ Quốc hội có lý của mình khi nói rằng hồ sơ dự án Luật chưa có nên chưa có đủ cơ sở đưa vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này. Nhưng điều đáng nói là trong cả tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không đề cập tới yêu cầu giao Chính phủ chủ trì nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ dự luật này để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

Mặc dù, việc xem xét thông qua một dự luật quan trọng như vậy đang là yêu cầu rất cấp bách hiện nay.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc:
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải chuẩn bị thật tốt, tất nhiên không thể cầu toàn, để có thể trình ra Quốc hội vào cuối năm nay dự luậtmột luật sửa nhiều luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh"

Theo ông Lộc, Dự luật này cấp bách bởi lẽ: Thực hiện các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh mà điển hình là Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, tạo cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã được hiến định. Một loạt rào cản đầu tư kinh doanh không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam đã được xóa bỏ. Môi trường kinh doanh đã trở nên minh bạch, thuận lợi và bình đẳng hơn.

Nhưng, thực tiễn thực hiện các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trong thời gian qua cũng cho thấy, vẫn đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nỗ lực vươn tới mục tiêu đưa nền kinh tế nước ta đứng vào nhóm 3 nước đứng đầu về môi trường kinh doanh trong các nước ASEAN, và thúc đẩy khởi nghiệp hướng tới mục tiêu đất nước có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 như mục tiêu tổng quát trong Chương trình hành động được nêu trong các Nghị quyết 19 và 35/2016 của Chính phủ.

"Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông: Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai. Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo.

Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi Luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho. Luật doanh nghiệp và luật đầu tư bảo hậu kiểm nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm.

Luật đầu tư quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ ngànhđẻ ra giấy phép. Luật Doanh nghiệp nói: doanh nghiệp không cần con dấu, luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho cơ quan Nhà nước.v.v.

Qua rà xét bước đầu, chúng tôi thấy, ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… Đây thực sự đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", ông Lộc cho biết.

Đại biểu tới từ VCCI cũng cho hay, dù mới xem xét trong phạm vi trong 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh,cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ cũng đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, tính thống nhất, liên thông, hợp lý của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng “Ông nói gà, Bà nói vịt”, luật “chồng” lên luật, bộ “lấn” địa phương, chính phủ “làm thay” doanh nghiệp…

"Thú thực, so với ASEAN và quốc tế thì một số quy định của pháp luật ở ta chẳng giống ai. Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phi kinh doanh cao (cả chi phí chính thức và phi chính thức), buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh…", ông Lộc cho biết.

Theo ông Lộc, chỉ riêng danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cộng đồng kinh doanh đã kiến nghị và các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp, vì các ngành nghề kinh doanh kể trên không thực sự cần thiếtvì không hội đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp, không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi, nhưng Chính phủ vẫn cứ phải thể chế hóa bằng các nghị định chỉ bởi vì đã được ghi trong luật. Và trong không ít trường hợp, người dân, doanh nghiệp và thậm chí cả cơ quan quản lý không biết đường nào mà lần: “quả trứng có trước hay con gà có trước”... vì các luật khác nhau lại quy định khác nhau.

Việc rà xét, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh, do vậy, là yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cũng làyêu cầu nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa thương mại và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA… đã được ký kết và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Với những lập luận, dẫn chứng, ví dụ cụ thể nêu trên ông Lộc "tha thiết đề nghị"  Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải trình ra Quốc hội vào cuối năm nay Dự luật một luật sửa nhiều luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh.

"Tôi tin rằng, Chính phủ kiến tạo với chức năng trung tâm là xây dựng thể chế như sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ khóa XIV sẽ sẵn sàng và các bộ, ngành sẽ vượt lên “quyền anh, quyền tôi” để đẩy mạnh cải cách thể chế vì đất nước như Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh", ông Lộc đề nghị.

Ông Vũ Tiến Lộc: Doanh nhân thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của nhà nước
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không ngần ngại chia sẻ quan điểm nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2015...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư