Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cấp vốn kịp thời cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng
Hồng Dung - 15/02/2019 19:40
 
Đó là một trong những điểm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong buổi làm việc đầu năm với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc đầu năm với ngân hàng Chính sách xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc đầu năm với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Làm việc đầu năm với NHCSXH, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang theo đuổi mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần tiếp tục quyết liệt thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững. Với nhiệm vụ quan trọng như vậy thì vai trò, trách nhiệm của NHCSXH ngày càng lớn hơn, quan trọng hơn…”.

Theo đó, Thủ tướng lưu ý một số việc.

Thứ nhất, cần thực hiện tốt việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở phối hợp các đơn vị liên quan nhằm đáp ứng kịp thời, đảm bảo cho vay thuận lợi, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai, minh bạch cho người dân; trong đó có việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

“Nhu cầu của người dân ngày càng lớn, thì thủ tục yêu cầu càng đơn giản, chống thất thoát, đảm bảo minh bạch vốn với các đối tượng thụ hưởng. Doanh số trong năm 2019 phải cao hơn năm 2018 vì đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách ngày càng lớn. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ NHCSXH hoàn thành thuận lợi việc này. Các ngân hàng thương mại bây giờ đã cải cách, đổi mới, thì NHCSXH cũng cần cải cách, đổi mới thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách, dưới sự giám sát chặt chẽ của hệ thống chính trị”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, cần tăng cường kiểm tra, phối hợp thực hiện, củng cố chất lượng hoạt động để hệ thống NHCSXH đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ tầm cao trong giai đoạn phát triển mới.

Thứ ba, NHCSXH cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động, giảm chi phí, đặc biệt là triển khai các dự án sản xuất, sản phẩm dịch vụ hiệu quả.

Thứ tư, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người vay vốn. NHCSXH vừa là người làm tín dụng, vừa là người hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh ở mô hình địa phương này lẫn địa phương khác.

Thứ năm, cần phải tập trung nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. Chính vì vậy, cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, lao động trong hệ thống.

“Tôi đề nghị các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn điều lệ, cấp vốn kịp thời để thực hiện các chương trình tín dụng cho NHCSXH”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm đến tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH, cần dành ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. “Đây là việc làm cần thiết, đầu tư cho người nghèo, đầu tư cho con người là đầu tư quan trọng nhất. Tôi cũng đã thấy, phần lớn cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm vấn đề này, thậm chí có nơi, chính quyền còn hỗ trợ NHCSXH về phương tiện ô tô, trụ sở làm việc...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, trong năm 2018, NHCSXH đã huy động được trên 194.000 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác các địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 11.809 tỷ đồng) để cho vay, với tổng dư nợ đạt trên 187.000 tỷ đồng. Năm qua, gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện; nợ quá hạn, nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ.

Sau 16 năm hoạt động, NHCSXH đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác với lãi suất ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đồng thời, xây dựng trên 11,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 568.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13.000 căn nhà phòng tránh bão lụt cho các tỉnh miền Trung. Trong thời gian này, có trên 118.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
[Infographic] Vốn chính sách giúp hơn 4,5 triệu hộ thoát nghèo
Trong gần 15 năm qua, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư