Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Cắt giảm kinh phí khởi công, khánh thành
Mạnh Bôn - 26/09/2013 07:28
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, việc cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 vẫn tiếp tục hết sức khó khăn, nhưng đây là cơ hội để đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu, tinh giản biên chế, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công. >>> Quy hoạch đô thị: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, chung cư ở đó” >>> Bội chi giảm nếu tính theo thông lệ quốc tế >>> Năm vấn đề lưu ý trong cân đối thu - chi ngân sách

Thưa Bộ trưởng, kết quả thu ngân sách quý III/2013 đang có dấu hiệu khởi sắc. Bộ trưởng có nhận xét gì về kết quả này?

Ngay từ đầu năm, ngành tài chính và các cấp, các ngành đã xác định, việc cân đối ngân sách năm nay hết sức khó khăn. Chính vì vậy, không chỉ có hơn 80.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính quyết liệt vào cuộc, mà cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đã đồng loạt vào cuộc - theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - là phải hết sức quyết liệt trong việc thu - chi.

Resize of Botruong_Taichinh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Chinhphu.vn)

Kết quả đạt được bước đầu tương đối khả quan.

Cụ thể, nếu trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước mới đạt 43,7% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2012; thì sau 8 tháng đầu năm, thu ngân sách đã đạt 59,4% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này cho thấy, thu ngân sách đang dần khởi sắc.

Với kết quả đạt được, áp lực thu ngân sách dồn vào 4 tháng cuối năm rất lớn, thưa Bộ trưởng?

Chính vì vậy, ngoài việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, cơ quan quản lý thuế đang rất quyết liệt trong việc chống thất thu, gian lận thuế, trốn lậu thuế, nợ đọng thuế.

Cho dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, nhưng theo báo cáo của cơ quan quản lý thuế các địa phương, trong 6 tháng đầu năm đã thu hồi được khoảng 1/3 số thuế nợ đọng tính đến cuối năm 2012.

Để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, chiếm đoạt tiền ngân sách thông qua hoàn thuế giá trị gia tăng, chúng tôi thực hiện giải pháp mạnh là không cho doanh nghiệp mới thành lập, có doanh số thấp được sử dụng hóa đơn tự in.

Sau một thời gian áp dụng giải pháp mạnh này, những doanh nghiệp thành lập ra không phải để tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà chỉ để được sử dụng hóa đơn tự in đã buộc phải ngừng hoạt động.

Giải pháp này không chỉ chống thất thu, chống chiếm đoạt tiền thuế, mà còn lành mạnh hóa môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh.

Thưa Bộ trưởng, giải quyết bài toán thu ngân sách rất khó, nhưng giải quyết bài toán chi chắc cũng không đơn giản?

Như tôi đã nói, ngay từ đầu năm, Chính phủ và ngành tài chính đã xác định, thu ngân sách năm nay hết sức khó khăn. Vì vậy, ngoài việc cố gắng thu đủ dự toán thì phải giải quyết triệt để bài toán chi ngân sách.

Theo nguyên tắc này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan tài chính các cấp không bổ sung kinh phí ngoài dự toán cho bất cứ đơn vị sử dụng ngân sách nào; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cấp thiết; phấn đấu đạt chỉ tiêu tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã bố trí cho các việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát trong và ngoài nước.

Chưa hết, trong 7 tháng cuối năm 2013, các bộ, ngành, địa phương còn phải thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên, với số tiền ước khoảng 3.080 tỷ đồng.

Đến nay, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương chấp hành đầy đủ về kiểm soát chi, tiết kiệm chi, với tổng số tiết kiệm ước khoảng 22.000 tỷ đồng (Trung ương là 13.000 tỷ đồng, địa phương 8.000 - 9.000 tỷ đồng).

Riêng về mua sắm tài sản công, tôi khẳng định, việc hệ thống Kho bạc Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ đã góp phần đáng kể trong việc tiết kiệm trong chi tiêu công của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công.

Năm 2014, như Bộ trưởng tiên lượng, thu ngân sách có thể còn khó khăn hơn năm nay. Vậy giải quyết bài toán cân đối thu - chi thế nào?

Trong 3 năm qua, tốc độ tăng chi thường xuyên tới 10 điểm phần trăm, từ 59% tổng chi lên 69% tổng chi, khiến nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản phải “bóp lại”. Chi thường xuyên, trong đó chủ yếu là chi lương ngày càng tăng trong “miếng bánh” ngân sách, trong khi đó, như tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, lao động, tiền lương thì có không dưới 30% số cán bộ, công chức hiện nay làm việc rất kém hiệu quả, có cũng như không.

Đây là điều hết sức phi lý. Ngân sách eo hẹp là thời cơ để tinh giản biên chế, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả để giảm chi thường xuyên.

Muốn giải quyết căn cơ bài toán cân đối thu – chi, ngoài việc mạnh tay cải cách hành chính, tinh giản biên chế, quyết liệt trong tiết kiệm chi tiêu thường xuyên còn phải mạnh dạn thực hiện khoán chi hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiết kiệm chi tiêu và cắt giảm những chương trình chưa thật sự cần thiết, kể cả Chương trình Mục tiêu quốc gia chỉ nên triển khai Chương trình Nông thôn mới, giảm nghèo, tạo việc làm và 2 chương trình có sự cam kết với nhà tài trợ quốc tế. Số còn lại phải nghiên cứu thực hiện bằng các giải pháp khác.

Bội chi giảm nếu tính theo thông lệ quốc tế
“Cách tính bội chi sẽ thực hiện theo thông lệ quốc tế để có cái nhìn chính xác hơn về an ninh tài chính quốc gia khi Luật Ngân sách nhà nước sửa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư