Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cầu phục hồi, nhất là tôm, cá tra, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dự báo bội thu
Thế Hải - 30/06/2022 18:47
 
Nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản tại các thị trường lớn như Mỹ, EU phục hồi mạnh sau 2 năm đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu thủy sản.
Nhu cầu thế giới tăng cao, xuất khẩu thủy sản năm nay được dự báo đạt 9,5 - 10 tỷ USD  	Ảnh: Đức Thanh
Nhu cầu thế giới tăng cao, xuất khẩu thủy sản năm nay được dự báo đạt 9,5 - 10 tỷ USD.   Ảnh: Đức Thanh

Nhiều dư địa tăng xuất khẩu

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 4,6 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ, còn tính đến cuối tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 5,8 tỷ USD.

Ấn tượng nhất là mức tăng trưởng các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc…-  vốn là những địa chỉ tiêu dùng nhiều thủy sản Việt Nam.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, mới 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vị trí số 1, chiếm 23% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong khi xuất sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng cao 45%, đạt gần 562 triệu USD.

Trung Quốc dù đang thực hiện chính sách zero Covid, nhưng đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của ngành thủy sản, với trị giá 700 triệu USD, chiếm gần 15% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. 

Tiếp đến thị trường Nhật Bản tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 638,91 triệu USD, chiếm 13,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cầu thị trường phục hồi mạnh mẽ, tạo dư địa tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2022. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước và lãi sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 46%, được cho là kế hoạch cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết.

Xuất khẩu thủy sản tăng tốc mạnh mẽ là do sự mở cửa trở lại của hầu hết các thị trường. Nhiều doanh nghiệp ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy giá xuất khẩu tăng. 

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý I/2022, IDI đã hoàn thành được 22,6% mục tiêu về doanh thu và 22,3% mục tiêu về lợi nhuận. Dự kiến trong năm nay, lợi nhuận IDI có thể đạt mức cao nhất lịch sử với khoảng 850-900 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản đều có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ. Nổi bật là Công ty Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đầu ngành cá tra, trong 4 tháng ghi nhận tổng doanh thu 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ 2021, nhưng lợi nhuận tăng trưởng đến hơn 3 lần.

Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm 2022. Theo đó, 4 tháng đầu năm, doanh thu của Navico đạt 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, đạt 45% mục tiêu cả năm. Trong bối cảnh ngành cá tra khởi sắc, năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, tăng lần lượt 40% và 377% so với năm 2021.

Có thể cán đích 9,5 - 10 tỷ USD

Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS) đánh giá, xu hướng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... tiếp tục khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.

“Do tình hình lạm phát, giá thực phẩm và thủy sản đang tăng mạnh trên thế giới cũng là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, tại các thị trường lớn như Mỹ, hiện tồn kho cá tra đã ở mức rất thấp sau 2 năm dịch bệnh đã khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập cá tra phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao trở lại”, báo cáo của VIS cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep, xuất khẩu thủy sản tăng tốc mạnh mẽ là do sự mở cửa trở lại của hầu hết các thị trường (trừ Trung Quốc). Nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy giá xuất khẩu tăng.

Bên cạnh đó, lợi thế về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đối với thị trường EU, nhờ EVFTA đã có hiệu lực, kết hợp yếu tố phần lớn các quốc gia tại châu Âu đã bắt đầu khôi phục kinh tế, nhu cầu tiêu dùng cũng vì vậy mà ổn định hơn, tiếp tục duy trì đà tăng xuất khẩu 6 tháng cuối năm.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2021 thu về gần 2,2 tỷ USD, dự báo tăng trên 20% trong năm 2022.

Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,5 - 10 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm sẽ đạt khoảng 4,1 - 4,2 tỷ USD; cá tra sẽ bội thu 2,4 - 2,5 tỷ USD, còn lại là hải sản với khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.

Đề xuất bổ sung quy định kiểm dịch với thủy sản chuyển mục đích sử dụng
Vasep đề xuất về bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư