Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ giảm
Vân Linh - 22/02/2020 15:38
 
Các nhà phân tích lĩnh vực ngân hàng cho rằng, cầu tín dụng sẽ giảm trong quý I và có thể kéo sang quý II/2020, do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chậm lại trong bối cảnh dịch bệnh.
.
Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời kích cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng mạnh tay giảm lãi vay cho các đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tín dụng giảm

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Theo báo cáo, dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động đến ngành ngân hàng ở các khía cạnh quan trọng: cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, nhất là 2 quý đầu năm 2020; tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Đó cũng chính là lý do để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng, cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa.

Trong kịch bản cơ sở, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giới phân tích tài chính cho rằng, quý I/2020, dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình bị suy giảm… Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dịch bệnh sẽ tác động làm giảm đà phát triển kinh tế của toàn cầu, Trung Quốc và cả Việt Nam. Do đó, nhu cầu tín dụng được dự báo là giảm, qua đó tác động đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Quân Đội (MBS) cũng đưa ra nhận định, hệ quả của hoạt động kinh tế suy yếu trong nửa cuối quý I do dịch bệnh có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ NHNN. Tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi dịch cúm Covid-19 sẽ tổn hại đến chất lượng tài sản, giảm lợi nhuận của nhà băng. Chẳng hạn, giá bất động sản có thể giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại, gây thiệt hại lớn với các khoản cho vay thế chấp bất động sản của ngân hàng.

Ảnh hưởng tới nợ xấu

Trong khi tín dụng được đánh giá sẽ sụt giảm trong nửa đầu năm 2020, thì nợ xấu của ngân hàng được dự báo khó tránh được gia tăng, do tác động bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch không thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và người chịu tác động sẽ là ngân hàng, do doanh nghiệp không trả được nợ khiến nợ xấu gia tăng.

Một chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, nếu diễn biến dịch Covid-19 còn kéo dài đến hết tháng 4/2020, thì khó khăn sẽ dần hiện rõ lên hoạt động của ngành ngân hàng. Nợ xấu của ngành sẽ có dấu hiệu tăng lên khi nhiều khách hàng doanh nghiệp không thể trả được nợ đúng hạn.

Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới các nhóm ngành. Theo đó, 10 ngành được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực gồm ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước.

Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời kích cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng mạnh tay giảm lãi vay cho các đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, Nam A Bank giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD, Ngân hàng mong muốn hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, từ nay đến hết ngày 30/4, Vietcombank  giảm lãi suất VND 1-1,5%/năm và ngoại tệ 0,5-0,75%/năm, tùy kỳ hạn. Với các khoản vay mới, Ngân hàng cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD. Vietcombank ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm cho các doanh nghiệp lớn. Kienlongbank, Agribank, VPBank... cũng đã có giải pháp hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng thận trọng với cầu tín dụng cuối năm
Tuy chuẩn bị tốt thanh khoản cho mùa kinh doanh vốn cuối năm, song do đã sử dụng hết hạn mức tín dụng, một số ngân hàng không dám đẩy mạnh cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư