Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
CEO HSBC Việt Nam: Những tình huống tệ nhất đã qua, GPD năm 2022 sẽ lấy lại mốc 6,8%
T.L - 13/12/2021 14:15
 
Nhận định Covid-19 vẫn là yếu tố bất ổn nhất với nền kinh tế, song Tổng giám đốc HSBC tin tưởng, kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng như thời điểm trước dịch bệnh.
f
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

Trong bài chia sẻ trước thềm năm mới 2022, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, năm 2021 là một năm vô cùng đặc biệt với Việt Nam, khi nền kinh tế có khởi đầu rất tốt đẹp, song GDP lại ghi nhận vào mức thấp kỷ lục trong lịch sử quý 3/2021 do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Dù vậy, nhìn về năm 2022, CEO HSBC Việt Nam cũng bày tỏ niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Tim Evans cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào "năng lượng nhiệt huyết, tinh thần kiên cường cùng đam mê và khát khao của người Việt Nam để hướng tới một tương lai luôn tốt đẹp hơn ngày hôm qua".

Năm 2022: Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8%

Khi đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.

Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:
Đồng nghiệp tại HSBC nói với tôi rằng chúng ta sắp sửa đón năm Nhâm Dần và có thể yên tâm phần nào vì linh vật năm sau là loài hổ vốn tự tin, bản lĩnh, dũng cảm và mạnh mẽ. Tất cả những phẩm chất này sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự

Các cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, cũng khuyến nghị Việt Nam cần lưu ý để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai, nhất là giá năng lượng, cước chuyển gia tăng, tác động đến lạm phát trong nước.

Theo quan điểm của HSBC, nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, chúng tôi đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của chính phủ.

Vẫn nhận định yếu tố bất ổn nhất năm 2022 vẫn chính là Covid-19, song ông Tim Evans tin tưởng, tình huống tệ nhất đã nằm lại sau lưng chúng ta, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2019.

Cơ hội từ tín dụng xanh và ngân hàng số

Nhận xét về tình hình hiện tại của kinh tế Việt Nam, ông Tim Evans cho rằng, nhiều yếu tố cho thấy kinh tế đang hồi phục trở lại: Chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11; Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại; Đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã bắt đầu ổn định; Áp lực giá nguyên liệu giảm nhiệt đôi chút… Dù không ai dám chắc liệu Việt nam đang trở lại mạnh mẽ với đà tăng trưởng bền vững, song sự phục hồi đã bắt đầu rõ ràng hơn.  

Trong bối cảnh kinh tế hậu Covid 19, Tổng giám đốc HSBC muốn nhấn mạnh hai lĩnh vực quan trọng với Việt nam là: tài chính bền vững và số hóa.  

Năm 2021 chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, thị trường này mới đang ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP. Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG và bền vững, họ sẽ đòi hòi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia họ có hoạt động.

Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.

Theo Tổng giám đốc HSBC, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh. Đến năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu it nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.  

Dù vậy, để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tài chính xanh. Ông Tim Evans đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc thêm nhiều giải pháp khác.  Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng nên đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết quả tài chính xanh cho từng ngân hàng, ví dụ như tỷ lệ số dư xanh chưa kết trên tổng sổ sách.

Về số hóa ngân hàng, theo Tổng giám đốc HSBC, năm 2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng Việt Nam xét về tiến độ số hóa. Khảo sát  McKinsey thực hiện năm 2021 cũng cho thấy, tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%.

Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.

“Tại HSBC Việt Nam, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng mạnh với các giao dịch kinh doanh thương mại và nhu cầu sử dụng các nền tảng số khác của chúng tôi cũng tăng lên nhanh chóng vì khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch. Giờ đây, chúng ta cần hành lang pháp lý nâng cấp, hoàn thiện nhanh chóng để kịp hỗ trợ quá trình số hóa đang diễn ra”, Ông Tim Evans cho hay.

Chính phủ cũng rất chủ động hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng. Trong tháng 5, NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đại dịch Covid như một yếu tố xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Năm 2022, lãnh đạo HSBC Việt Nam cho rằng, các ngân hàngcần tiếp tục phát huy những gì đã làm được vì nhu cầu khách hàng luôn biến đổi không ngừng và đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt hoàn toàn. Theo đó, mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng. Đồng thời, phải có giải pháp thay đổi tâm lý lo lắng về an toàn trên không gian mạng của người dân.

Theo McKensey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động.

Kinh tế 2022 cần thêm động lực gì?
Cần có “cơ chế đặc thù” về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, để kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư