Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
CEO Kalapa: Xác thực sinh trắc học mang lại lợi ích lớn cho khách hàng và ngân hàng
Tú Ân - 27/05/2024 09:30
 
Bà Nguyễn Tuyết Nhung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kalapa chia sẻ về giải pháp, công nghệ sinh trắc học cho các tổ chức tín dụng theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Thưa bà, ở góc độ nhà cung cấp giải pháp eKYC cho tổ chức tín dụng thì sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN, các ngân hàng, ví điện tử đã “đặt hàng” Kalapa như thế nào? Họ có yêu cầu đặc biệt về công nghệ sinh trắc học mới hay không?

Ngay khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN ra đời, các ngân hàng và ví điện tử đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp để đưa ra yêu cầu về công nghệ. Yêu cầu này cũng rất rõ ràng và bám sát Quyết định 2345/QĐ-NHNN như: phải xác thực Căn cước công dân (CCCD) gắn chip được chứng thực của Bộ Công an cung cấp, phải có dịch vụ xác thực sinh trắc học mà cụ thể là nhận diện khuôn mặt, xác thực khuôn mặt và xác thực sự sống.

Công nghệ này phải đáp ứng 3 yêu cầu lớn: Right Now (đúng thời điểm hiện tại) - Right Person (đúng chủ thể) - Real Person (là người thật chứ không phải hình thức giả dạng).

Thực ra công nghệ này không phải là yêu cầu quá mới đối với các nhà cung cấp dịch vụ eKYC. Tuy nhiên, một số yêu cầu khác của ngân hàng và ví điện tử yêu cầu dịch vụ này cần được nghiên cứu, phát triển, nâng cao hơn. Dịch vụ tích hợp vào hệ thống của ngân hàng phải đảm bảo yếu tố an toàn, an ninh bảo mật cũng như đảm bảo trải nghiệm của khách hàng. Mặt khác, dịch vụ phải liên tục được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những phương pháp phát hiện giả mạo mới.

A
Bà Nguyễn Tuyết Nhung,Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kalapa.

Chúng tôi theo rất sát các yêu cầu của các ngân hàng, ví điện tử khi họ thực hiện dịch vụ sinh trắc học và cả các dịch vụ khác. Chúng tôi hiểu rằng mỗi một đơn vị khi triển khai dịch vụ yêu cầu là không giống nhau, hệ thống khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau...đặc biệt là yêu cầu chống gian lận, giả mạo. Vì vậy, Kalapa rất chú trọng mục tiêu phát hiện được tấn công và gian lận sinh trắc học. Công nghệ Sinh trắc học mà Kalapa đang cung cấp đạt tiêu chuẩn ISO 30107 iBeta level 2 (cấp cao nhất) do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa kỳ (NIST) công nhận.

Đội ngũ công nghệ của Kalapa được đầu tư lớn, chiêu mộ những kỹ sư AI hàng đầu tham gia tiếp tục nghiên cứu, phát triển dịch vụ sinh trắc học. Việc của Kalapa không chỉ đáp ứng bài toán của các ngân hàng, ví điện tử ngày hôm nay theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN mà còn phải đảm bảo trong tương lai khi phát sinh bất cứ một mô hình, phương pháp gian lận nào mới thì Kalapa cũng là đơn vị đi trước, phát hiện sớm, tích hợp vào sản phẩm của mình.

Vì sao chúng tôi lại tập trung cao vào tính năng này?

Tại Hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ các các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các cơ quan quản lý đều cần tăng cường các biện pháp bảo vệ từ giám sát các giao dịch bất thường, phát hiện các đăng nhập trên thiết bị lạ hoặc thiết bị đã kích hoạt quyền trợ năng tới việc sử dụng dịch vụ Threat Intelligence (thu thập thông tin đe dọa hướng tới mục tiêu), đào tạo nhân viên tổng đài...để có các hành động ngăn chặn tức thời. Ngân hàng Nhà nước thật sự đã và đang rất sâu sát, ban hành nhiều Thông tư, Chỉ thị và Quyết định nhằm mục tiêu phòng chống gian lận trên không gian mạng. Vì vậy, Kalapa rất tự tin nghiên cứu và cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo hướng này.

Có một vấn đề là hiện nhiều khách hàng vẫn còn e ngại xác thực sinh trắc học, sợ mất thời gian, sợ lộ thông tin…Kalapa đã giải quyết trở ngại này như thế nào, thưa bà?

Trên thực tế, khi thực hiện các bước eKYC, xác thực sinh trắc học, vẫn còn tình trạng khách chưa hoàn toàn cảm thấy hài lòng với các bước xác thực cần thực hiện như khi khách hàng xác thực khuôn mặt phải quay trái phải tương đối lâu khiến họ khó chịu. Hay như dịch vụ này yêu cầu công dân phải có smartphone có khả năng đọc chíp NFC được tích hợp trên CCCD, và phải biết cách đặt CCCD vào điện thoại để đọc chíp. Yêu cầu này khá xa lạ với phần lớn người dùng, và đòi hỏi người dùng chấp nhận tính thiết yếu của nó.

Đứng từ phương diện của đơn vị phân phối dịch vụ xác thực CCCD, việc thiết kế các phần mềm tích hợp dịch vụ này cần nhất là: Có khả năng hoạt động ưu việt, tốc độ xử lý cao, các bước hướng dẫn khách hàng ngắn gọn, dễ dàng cả với những người già chưa am hiểu công nghệ.

Kalapa sau khi đã đạt các tiêu chuẩn về chống gian lận, giả mạo, thì tập trung rất nhiều vào thiết kế trải nghiệm người dùng. Thiết kế này hỗ trợ người dùng dễ dàng tìm được vị trí quét chíp NFC trên điện thoại của mình, tăng tốc độ quét khuôn mặt để giảm thời gian hoàn thành xác thực sinh trắc chỉ trong tối đa 2 giây và nhiều cải tiến có ý nghĩa khác...

Vậy việc ứng dụng định danh người dùng bằng dịch vụ xác thực CCCD của Bộ Công an có gây ra cản trở nào trong hoạt động cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không, thưa bà?

Tôi xin khẳng định là việc ứng dụng dịch vụ xác thực CCCD vào định danh người dùng không gây ra cản trở nào lớn trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp quản trị danh mục khách hàng của mình thuận lợi và chính xác hơn, loại bỏ khả năng mạo danh, gian lận, bỏ trốn...của những khách hàng đang có giao dịch với mình. Lý do chính là vì dịch vụ xác thực CCCD được cung cấp dưới dạng API kết nối trực tuyến, có thể đồng thời xử lý hàng triệu yêu cầu cùng lúc, với tính chính xác gần như tuyệt đối.

Vậy bên cạnh đảm bảo yếu tố an toàn bảo mật, phát hiện gian lận sớm, nâng cao trải nghiệm khách hàng, công nghệ eKYC sinh trắc học của Kalapa còn giúp các tổ chức tín dụng như thế nào trong nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi số cho ngành ngân hàng?

Công nghệ định danh và xác thực thông minh bên cạnh giúp ngân hàng, ví điện tử đảm bảo an toàn an ninh bảo mật, giảm chi phí... còn là tiền đề cho các dịch vụ ứng dụng phân tích và quản trị dữ liệu lớn, cung cấp thông tin hỗ trợ cho nhiều nghiệp vụ khác của ngân hàng. Khi có đầy đủ các dữ liệu, ngân hàng có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí rủi ro, chi phí quản trị doanh nghiệp, chi phí phát triển, marketing, bán hàng…

Bà có khuyến nghị gì đối với các tổ chức tín dụng khi ứng dụng các công nghệ eKYC sinh trắc học?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Quyết định 2345/QĐ-NHNN chỉ ảnh hưởng tới 7% lượng giao dịch. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong dài hạn, khi người dùng đã hình thành thói quen sử dụng xác thực điện tử thì việc sử dụng các dịch vụ này sẽ gia tăng. Vì thế, các ngân hàng cũng cần lưu ý về khả năng chịu tải của dịch vụ. Mặc dù công nghệ do Kalapa cung cấp có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch/ngày, nhưng tôi vẫn khuyến nghị các ngân hàng và ví điện tử cũng nên sử dụng ít nhất cùng lúc 2 đơn vị xác thực định danh điện tử, định danh sự sống. Làm được như vậy sẽ đảm bảo hoạt động ổn định và tăng khả năng phát hiện được các trường hợp gian lận, giả mạo tinh vi.

Xác thực sinh trắc học: Hơn cả một “hàng rào bảo vệ tài khoản ngân hàng”
Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng đi vào cuộc sống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư