Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xác thực sinh trắc học: Hơn cả một “hàng rào bảo vệ tài khoản ngân hàng”
Tú Ân - 24/05/2024 13:59
 
Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng đi vào cuộc sống từ 1/7/2024 không chỉ bảo vệ an toàn cho khách hàng, mà còn kỳ vọng giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngân hàng.
Talkshow “Nền tảng số Việt Nam xuất sắc: Định danh và xác thực thông minh trong thanh toán trực tuyến” do Báo Đầu tư tổ chức

Ngân hàng tích cực triển khai

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, ngay sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) được ban hành, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương, tích cực triển khai xây dựng lộ trình áp dụng, rà soát cơ sở dữ liệu, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp. Các giải pháp do doanh nghiệp thực hiện đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu thập dữ liệu khách hàng để so khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến thời điểm này, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động, 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng Định danh và xác thực điện tử công dân (VNeID).

Về phía đối tác công nghệ cung cấp giải pháp sinh trắc học, bà Nguyễn Tuyết Nhung, Tổng giám đốc Công ty Kalapa cho hay, sau khi Quyết định 2345 được ban hành, các ngân hàng và ví điện tử đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp để đưa ra yêu cầu về công nghệ, như xác thực CCCD gắn chip được chứng thực của Bộ Công an; phải có dịch vụ xác thực sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt, xác thực khuôn mặt và xác thực sự sống). Công nghệ phải đáp ứng 3 yêu cầu quan trọng: đúng thời điểm hiện tại, đúng chủ thể và phải là người thật chứ không phải hình thức giả dạng.

Hơn cả một “hàng rào bảo vệ tài khoản”

Không chỉ bảo vệ tài sản và đảm bảo chính chủ cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử, việc thực hiện Quyết định 2345 còn mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho cả ngân hàng và hàng chục triệu khách hàng.

Quyết định 2345 phân loại 4 loại giao dịch loại A, B, C, D với 2 loại chuyển tiền và thanh toán. Các giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ điện, nước, viện phí, học phí… dưới 100 triệu đồng không phải xác thực sinh trắc học; nếu có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng, thì mới phải  xác thực sinh trắc học.

Đối với chuyển tiền, các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch có giá trị dưới 10 triệu đồng nhưng có tổng giá trị giao dịch trong 1 ngày vượt quá 20 triệu đồng, thì phải xác thực bằng sinh trắc học. Sau khi xác thực xong, thì ngưỡng giao dịch sẽ đặt lại (reset) từ đầu.

Bà Nhung chia sẻ, để nâng cao trải nghiệm khách hàng, công nghệ đã được cải tiến, hỗ trợ người dùng dễ dàng tìm được vị trí quét chip NFC trên điện thoại, tăng tốc độ quét khuôn mặt để giảm thời gian hoàn thành xác thực sinh trắc chỉ trong tối đa 2 giây...

“Công nghệ định danh và xác thực thông minh bên cạnh việc giúp ngân hàng, ví điện tử đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật, giảm chi phí... còn là tiền đề cho các dịch vụ ứng dụng phân tích, quản trị dữ liệu lớn, cung cấp thông tin hỗ trợ cho nhiều nghiệp vụ khác của ngân hàng”, bà Nhung phân tích.

Ngoài ra, theo bà Nhung, công nghệ sinh trắc học mà Kalapa đang cung cấp đạt iêu chuẩn ISO 30107 iBeta level 2 (cấp cao nhất) do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ công nhận, không chỉ giúp phát hiện các hành vi gian lận hoặc giả mạo chuyên sâu, mà còn cung cấp các tính năng tùy chỉnh theo yêu cầu của từng ngân hàng, đặc biệt liên quan tới phòng chống gian lận trong giao dịch trực tuyến.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Nền tảng Định danh và Xác thực điện tử VNPT cho biết, chi phí để triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử của mỗi ngân hàng, ví điện tử có thể khác nhau, tùy thuộc cách thức triển khai. Ví dụ, những đơn vị nhỏ chưa có hạ tầng, đội ngũ vận hành riêng cho eKYC (định danh khách hàng điện tử), lượng giao dịch chưa nhiều sẽ dùng qua cloud của VNPT và trả phí theo yêu cầu. Những đơn vị lớn có thể đầu tư hạ tầng và đội ngũ vận hành, lượng giao dịch lớn, thì triển khai theo hình thức on-premise (giải pháp công nghệ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ) và trả phí theo giấy phép. Vì vậy, các ngân hàng, ví điện tử cần xem xét nguồn lực, quy mô giao dịch, thời gian triển khai... để chọn phương án tối ưu.

“Nghiên cứu cho thấy, mở tài khoản số hóa bằng eKYC có thể giảm 50-70% chi phí so với mở tại quầy. Việc sử dụng công nghệ sinh trắc học tiên tiến như VNPT FaceID còn giúp giảm thiểu rủi ro gian lận, rút ngắn quy trình xác thực, từ đó tạo trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Điều này cuối cùng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tài chính”, ông Huy chia sẻ.

 

Chuỗi Talkshow “Nền tảng số Việt Nam xuất sắc” do Báo Đầu tư thực hiện góp phần thúc đẩy Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra; giới thiệu, quảng bá, tiếp cận sản phẩm, dịch vụ công nghệ đến người dùng nhằm gia tăng lượng người dùng và doanh số; phân tích, bình luận, nhận định các xu hướng ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy, gia tăng lượng người dùng cho các nền tảng chuyển đổi số.

Talkshow “Nền tảng số Việt Nam xuất sắc: Định danh và xác thực thông minh trong thanh toán trực tuyến” nhằm truyền thông chính sách, giới thiệu công nghệ định danh và xác thực thông minh mới, qua đó thúc đẩy việc thực thi Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

 

Thí điểm xác thực sinh trắc học khi làm thủ tục bay
Ngay trong quý I/2023, Cục Hàng không Việt Nam thí điểm triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi máy bay và báo cáo Bộ Giao thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư