Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
CEO Phạm Duy Nghĩa bật mí các tour "đỉnh" phục vụ du khách từ 15/3
Hồ Hạ (thực hiện) - 23/02/2022 09:12
 
Các doanh nghiệp lữ hành mong muốn chính sách đồng nhất, an toàn của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương, tránh không để xảy ra tình trạng mở rồi lại đóng.

Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, quyết định mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế và nội địa từ 15/3 sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam, cứu nguy cho doanh nghiệp ngành kinh tế xanh.

Hiện, Vietfoot Travel đã chuẩn bị rất nhiều dòng sản phẩm chuyên sâu và sáng tạo, “đỉnh của chóp” sẵn sàng phục vụ du khách từ 15/3 và sắp tới sẽ cho ra mắt sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, đó là du lịch định cư và du lịch bất động sản định cư. 

CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa (Ảnh: Hồ Hạ)


"Nắng hạn gặp mưa rào"

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Đây là thông tin người làm du lịch cả nước đã mong chờ từ rất lâu sau hơn 2 năm du lịch bị ngưng trệ bởi “cơn đại hồng thủy” Covid-19. Ông đánh giá thế nào về quyết định này?

- Nếu không mở cửa, Việt Nam không thể hội nhập với thế giới, bởi chúng ta không chỉ có nhu cầu đón du khách quốc tế mà người Việt Nam cũng khát khao được khám phá năm châu.

Mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch sau hơn 2 năm gần như “đóng băng” vì “cơn đại hồng thủy” Covid-19 không chỉ đặt ra vô cùng cấp thiết để cứu nguy cho ngành du lịch mà với cả nền kinh tế nói chung với những đòi hỏi thông thương cả "vào" và "ra". Trong đó, mảng du lịch đóng vai trò rất quan trọng kích thích nền kinh tế phát triển.

Qua trao đổi với các đại sứ, Đại sứ quán cho biết, chỉ khi nào Việt Nam mở cửa thì nước ngoài mới mở cửa cho người Việt. Vì thế, nếu Việt Nam không mở cửa đồng nghĩa chúng ta tự tạo ra những rào cản vô hình kìm hãm sự phát triển nền kinh tế và du lịch.

Việc Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 là thông tin đáng vui mừng nhất với các doanh nghiệp du lịch trong hơn hai năm qua, tựa như “nắng hạn gặp mưa rào”. Đây là tín hiệu đáng mừng để du lịch Việt Nam hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022.

Theo CEO Phạm Duy Nghĩa, chúng ta không chỉ có nhu cầu đón du khách quốc tế mà người Việt Nam cũng khát khao được khám phá năm châu (Ảnh: Hồ Hạ)

Vietfoot Trave đã chuẩn bị những gì cho ngày du lịch quốc tế được mở toang cánh cửa vào 15/3 sắp tới, thưa ông?

- Để chuẩn bị cho ngày được mong chờ nhất này, Vietfoot Travel đã họp với một loạt các hãng hàng không và đại sứ quán để chuẩn bị kế hoạch triển khai các tour cho khách inbound (đón du khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài).

Là Đại lý ủy quyền của Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Séc nên chúng tôi tiếp nhận thông tin cực nhanh và đã thông báo, từ tuần này, các Đại sứ quán châu Âu sẽ mở cửa trở lại. Vietfoot Travel cũng đã chính thức mở lại các dịch vụ du lịch outbound đưa du khách Việt Nam đi châu Âu và inbound đón du khách châu Âu vào Việt Nam từ 15/3.

Với thị trường outbound, chúng tôi định hướng phát triển mạnh thị trường châu Âu, nhưng với cách làm hoàn toàn khác biệt, mới lạ. Trước dịch, du lịch châu Âu thường làm theo series rất lớn, đoàn đông nhưng chủ yếu dừng lại ở du lịch thuần túy, người làm du lịch gọi là check-in tour. Theo đó, một chương trình 9 ngày cộng cả ngày bay đi tới 4 hoặc 5 nước.

Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ làm theo hướng du lịch trải nghiệm, chương trình 9 - 10 ngày chỉ khám phá 2 - 3 nước để du khách cảm nhận sâu sắc giá trị của điểm đến, cả về văn hóa, ẩm thực, cảnh quan tự nhiên… Mỗi đoàn khách cũng tối đa 10 – 15 người, thay vì 30 – 40 người, để du khách được chăm sóc một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi có rất nhiều dòng sản phẩm chuyên sâu và sáng tạo, “đỉnh của chóp” dành cho những du khách đã từng khám phá châu Âu là du lịch caravan bằng xe ô tô chạy xung quanh châu Âu, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe tại các khu resort cao cấp tại châu Âu, khu vùng núi cao của Thụy Sĩ và Đức…

Vietfoot Travel đã chính thức mở lại các dịch vụ du lịch outbound đi châu Âu và inbound đón châu Âu vào Việt Nam (Ảnh: Hồ Hạ)

Đặc biệt, Vietfoot Travel dự định cho ra mắt sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, đó là du lịch định cư và du lịch bất động sản định cư. Sắp tới, chúng tôi sẽ chính thực được nhận là đại lý ủy quyền tiếp nhận hồ sơ làm quốc tịch của đất nước Vanuatu, một quốc gia nằm ở Nam Thái Bình Dương giáp với Úc, Nouvelle Calédonie và New Zealand, trực thuộc Khối thịnh vượng chung Anh và liên hiệp châu Âu EU. Trước đây, quốc gia này thuộc địa của Anh và Pháp, cho nên khi mang quốc tịch Vanuatu, du khách không chỉ được miễn thị thực vào 135 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong đó phải kể đến các nước thuộc khối liên hiệp Anh, châu Âu, Australia, New Zealand du lịch mà còn có thể có cơ hội sinh sống và làm việc một cách bình thường và hợp pháp tại các quốc gia này.

Với thị trường inbound, Vietfoot Travel đã chuẩn bị kế hoạch phát triển inbound từ hệ thống phát triển thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các chương trình chung để có thể phát triển cho các dòng khách tiếng Anh từ châu Âu, khách Mỹ, Canada, Dubai… Chúng tôi đang trao đổi với đối tác để hướng đến những dòng sản phẩm cao cấp phục vụ du khách.

Mới đây, chúng tôi đã làm việc với Bamboo Airway phục vụ du khách châu Âu vào Việt Nam theo đường bay của hãng hàng không này và ở tại hệ thống khách sạn, chơi golf của FLC. Ngoài du khách châu Âu, hệ thống của FLC cũng sẽ phục vụ tốt những du khách thích chơi golf đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, kết tham quan, trải nghiệm tại Việt Nam.

Vietfoot Travel dự định cho ra mắt sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, đó là du lịch định cư và du lịch bất động sản định cư (Ảnh: Hồ Hạ)

Sợ nhất là mở cửa rồi lại đóng 

Thưa ông, để phục vụ tốt cả thị trường inbound và outbound từ ngày 15/3, hiện Vietfoot Travel đang phải đối mặt với những khó khăn nào?

- Khi du lịch mở cửa hoàn toàn, bên cạnh sự vui mừng, doanh nghiệp lữ hành cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là các điều kiện, quy định cụ thể áp dụng đối với du khách quốc tế đến Việt Nam cùng các điều kiện trước và sau khi đi du lịch nước ngoài đối với du khách Việt Nam vẫn chưa có. Hay trong quá trình du khách đi du lịch bị nhiễm bệnh thì sẽ xử lý ra sao, gặp biến chủng mới thì thế nào?... Nếu những quy định quá khắt khe hoặc quá lỏng lẻo cũng có thể dẫn đến mọi chuyện trở về vạch xuất phát và doanh nghiệp sợ nhất là mở cửa rồi lại đóng.

Mặt khác, sau thời kỳ này, giá dịch vụ tại điểm đến ở cả Việt Nam và điểm đến nước ngoài đang tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng đến giá tour và không phải điểm đến nào cũng sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực do vẫn đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Họ chờ đến khi du lịch phục hồi ổn định mới mở cửa để không thiệt hại thêm.

Một khó khăn lớn khác không chỉ của các doanh nghiệp lữ hành hay Vietfoot Travel mà cả các khu du lịch, cơ sở lưu trú đều đang rất thiếu nhân sự. Do đó, sự sẵn sàng vào cuộc của tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch không phải đều đã sẵn sàng. Bởi vậy, lộ trình mở cửa cũng phải dần dần, vừa để định hướng du khách vừa có thời gian cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tại điểm đến hội nhập trở lại. Vì thực tế, không nhìn thấy tương lai thì các doanh nghiệp du lịch sẽ không hành động như trước kia nữa.

Theo CEO Phạm Duy Nghĩa, không nhìn thấy tương lai thì các doanh nghiệp du lịch sẽ không hành động như trước kia nữa (Ảnh: Hồ Hạ)

Chính phủ đã cho phép từ 15/3 sẽ khôi phục chính sách visa như trước khi có dịch, bao gồm miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ông kỳ vọng gì vào quyết định này?

- Việc Chính phủ khôi phục lại chính sách visa như trước khi Covid-19 ập đến là điều hết sức vui mừng. Tuy nhiên, đã từ lâu, các doanh nghiệp lữ hành khao khát chính sách thị thực được cởi mở, thông thoáng hơn nữa, đặc biệt là đối với các nước phát triển có mức chi trả cao, nhằm tránh e ngại về những thủ tục phiền hà khi họ mong muốn đến Việt Nam.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, hấp dẫn cùng chất lượng hạ tầng, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao, chỉ cần chính sách visa cởi mở như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia, cũng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho ngành kinh tế xanh Việt Nam.

Đây là lúc du lịch Việt Nam định vị trở thành điểm đến của thiên niên kỷ, và cởi mở về chính sách visa đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ giúp chúng ta thu hút được những nguồn du khách chất lượng.

CEO Phạm Duy Nghĩa cho rằng, đây là lúc du lịch Việt Nam định vị trở thành điểm đến của thiên niên kỷ (Ảnh: Hồ Hạ)

Công tác truyền thông đặt ra bức thiết

Thưa ông, từ nay đến 15/3 còn rất ít thời gian, vậy chúng ta cần ưu tiên cải thiện ngay những điểm yếu nào?

Để đón được du khách ngay khi mở cửa, Chính phủ cần sớm công bố thời gian chính thức mở lại hoàn toàn du lịch quốc tế kèm theo các quy định về y tế đối với du khách để các bên liên quan sẵn sàng mọi điều kiện, không bị lúng túng khi triển khai. Về phía các đơn vị, doanh nghiệp, cần khẩn trương chỉnh trang cơ sở vật chất, chuẩn bị nhân sự… để sẵn sàng phục vụ du khách.

Đặc biệt, tôi đề xuất, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách chung, đồng nhất, mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dịch vụ nhằm tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

Đặc biệt, công tác truyền thông đang được đặt ra bức thiết. Bởi, hiện tại các doanh nghiệp du lịch gần như đã kiệt quệ về tài chính nên cần sự đồng hành thiết thực của Nhà nước, các địa phương và các cơ quan truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam sẵn sàng đón du khách nước ngoài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các tỉnh, thành cần đầu tư ngân sách quảng bá sản phẩm du lịch trên các hãng truyền thông lớn như CNN, Fox…

Chúng tôi mong muốn Nhà nước có nguồn ngân sách và lựa chọn các doanh nghiệp còn hoạt động hiệu quả ở các địa phương trọng điểm đi xúc tiến ở các hội chợ, roadshow về du lịch quốc tế để tìm kiếm khách đối tác, khách hàng.

Khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch quốc tế, Nhà nước hỗ trợ ngân sách quảng bá, xúc tiến, đồng thời tập hợp sức mạnh của các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, sẽ tạo ra lực hút lớn đối với các doanh nghiệp, du khách quốc tế, giúp ngành kinh tế xanh hồi sinh mạnh mẽ.

[Emagazine] Thu hút du khách quốc tế: Chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt
Đảm bảo an toàn là yếu tố hàng đầu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt để thu hút du khách quốc tế cũng như nâng cao năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư