Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
CEO Quốc Cường Gia Lai: “Tôi đã khóc hết nước mắt”
Trọng Tín - 30/06/2020 16:51
 
“Dự án Bắc Phước Kiển, tôi đã gõ cửa nhiều sở, ban, ngành, nhưng vẫn không có lối thoát, tôi đau khổ lắm, tôi đã khóc hết nước mắt”...”, bà Nguyễn Thị Như Loan, CEO Quốc Cường Gia Lai nói.
Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển đang vị vướng các thủ tục pháp lý nhiều năm nay (ảnh: Trọng Tín)
Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển đang vị vướng các thủ tục pháp lý nhiều năm nay (ảnh: Trọng Tín)

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG - HoSE) diễn ra vào ngày 30/6, nhiều cổ đông nêu thắc mắc về tiến độ thực hiện Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển gần như không có động tĩnh và liệu có khả năng thực hiện của dự án.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai nhấn mạnh, đây là dự án rất tâm huyết của Quốc Cường Gia Lai, không chỉ mang về lợi nhuận, mà tạo ra giá trị cho xã hội.

Bà Loan cho biết, dự án này đã có quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư từ năm 2017. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc sau đó đã khiến dự án không thể triển khai. Đến thời điểm hiện tại, kế hoạch sử dụng đất của dự án đã hết hạn, chấp thuận chủ trương đầu tư cũng sắp hết hạn (thời hạn là tháng 8/2020).

“Chúng tôi đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường xin giao đất để làm trước bước xây dựng hạ tầng. Nhưng khi trình lên, tất cả chuyên viên của Sở Tài nguyên và Môi trường đều lúng túng”.

Các sở, ngành vẫn thương xót, nhưng chính bản thân họ cũng không biết giải quyết thế nào", bà Loan nói với các cổ đông.

Bà Loan cho rằng, Dự án Bắc Phước Kiển quá lớn, tổng doanh thu lên tới 50.000 - 70.000 tỷ đồng, một mình Quốc Cường Gia Lai không thể làm nổi nên công ty phải liên doanh với đối tác ngoại. Nhưng đối tác ngoại, sau 3 năm đồng hành họ cũng chán nản.

“Đây là bài toán rất trăn trở, rất khổ tâm mà không biết giải quyết thế nào. Dự án này là cái sống còn của Quốc Cường Gia Lai và cũng đã đóng góp cho ngân sách không ít”, bà Loan bộc bạch.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 39,15%

Về kết quả kinh doanh năm 2019, bà Loan cho rằng, năm 2019 là một năm đầy khó khăn đối với ngành bất động sản. Đầu năm 2020, khó khăn của đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến khó khăn lại nối tiếp khó khăn, khiến thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Năm  2019, doanh thu và thu nhập khác của Công ty Quốc Cường Gia Lai đạt hơn 953 tỷ đồng, tăng 17,25% so với cùng kỳ năm 2018, và đạt 68,67% kế hoạch năm 2019. Do doanh thu giảm, dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm, chỉ có 73 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch năm 2019.

Bà Loan cho rằng, tình hình kinh doanh và lượng sản phẩm bàn giao trong năm không đạt kế hoạch đề ra một phần nguyên nhân nằm ở pháp lý.

“Trở ngại pháp lý tuy không mới, nhưng năm 2020 vẫn là rào cản đối với thị trường bất động sản”, bà Loan nói.

“Trong thời gian tới, HĐQT tập trung đẩy nhanh hoàn thiện pháp lý của dự án đang vướng mắc, nhưng với tình hình hiện nay, khâu thực hiện pháp lý dự án làm căn cứ lên kế hoạch dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận, chúng tôi hoàn toàn không chủ động được, vì ngành bất động sản hoàn toàn phụ thuộc vào hành lang pháp lý dự án là máu chốt vấn đề cho hoạt động công ty”, bà Loan chia sẻ.

Năm 2020, Quốc Cường Gia Lai sẽ tập trung đẩy nhanh pháp lý các Dự án và khai thác thêm những Dự án mới ở vùng ven TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)
Năm 2020, Quốc Cường Gia Lai sẽ tập trung đẩy nhanh pháp lý các dự án và khai thác thêm những dự án mới ở vùng ven TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)

Tập trung triển khai các dự án ở vùng ven TP.HCM

Năm 2020, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục hoàn thiện pháp lý các dự án đã góp vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bán hàng theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, rà soát, cơ cấu lại tài chính cho từng công ty con, công ty liên kết cho từng dự án.

Mặc dù gặp không ít thách thức, song HĐQT vẫn nhìn thấy rất nhiều cơ hội, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị tăng nhanh, dẫn tới nhu cầu nhà ở để đáp ứng cho dân cư đô thị ngày càng tăng.

“Bất động sản vùng ven đang trở thành xu hướng cho nhà đầu tư và nhiều người dân có nhu cầu an cư, công ty đã và đang có những quỹ đất tại các quận huyện vùng ven Thành phố như Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9... Công ty sẽ tập trung triển khai ở những khu vực này”, bà Loan cho biết.

Theo bà Loan, phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1 – 2 phòng ngủ, tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, Quốc Cường Gia Lai sẽ tập trung hoàn chỉnh các dự án đang dang dở về mặt pháp lý để triển khai xây dựng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho dân cư đô thị.

“Công ty đang sở hữu những quỹ đất không nhỏ tại TP.HCM, đây là lợi thế để công ty phát triển đầu tư trong thời gian tới”, bà Loan nhấn mạnh và thông tin thêm, ngoài các sản phẩm chủ lực là chung cư cao tầng trung cấp và cao cấp. Quốc Cường Gia Lai cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm, nhà liền kề, biệt thự, mở rộng các phân khúc bất động sản như condotel, officetel, văn phòng khách sạn.

Với kế hoạch cẩn trọng nhằm hạn chế rủi ro, khó khăn trước mắt. Năm 2020, Quốc Cường Gia Lai kỳ vọng doanh thu thuần đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2019, hệ số nợ/tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai là 62,49%, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 166,61%. Trong đó, cơ cấu nợ của công ty nợ ngắn hạn chiếm 94,38% chủ yếu là khoản phải trả, khoản mượn từ các bên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư