Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CEO Techcombank: “Tôi lạc quan đưa Techcombank đồng hành cùng đất nước phát triển”
Đ.M - 13/02/2019 19:12
 
Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), về áp lực tăng trưởng lợi nhuận, cả hai lần đều có câu trả lời lạc quan.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Lần thứ nhất, tháng 9/2016, khi ông Nguyễn Lê Quốc Anh chính thức đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Techcombank.

Là người có phần lớn thời gian trước đây sống và làm việc tại nước ngoài, cảm nhận khi đó vị doanh nhân này chưa thực sự chuyển tải hết ý muốn nói bằng tiếng Việt. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh thừa nhận, cần một thời gian để thực sự uyển chuyển. Cũng như cái Tết đầu tiên tại Việt Nam sau nhiều năm, ông từng bất ngờ và thấy mới mẻ khi ngắm cây mai được tặng trước cửa nhà, để rồi thấy kỷ niệm thơ ấu ùa về, thân thuộc.

Lần đó, Techcombank bắt đầu trở lại sau giai đoạn tập trung xử lý các tồn đọng trước đây; lợi nhuận bắt đầu tăng trưởng mạnh. Những con số tăng trưởng cao xuất hiện, và câu hỏi khi đó là “có gây áp lực cho những năm tới”?

Tân Tổng giám đốc Techcombank khi đó trả lời bình thản: “Mục tiêu kinh doanh lớn nhất chúng tôi hướng đến là phải đo lường được và thể hiện qua những giá trị vượt trội mang đến cho khách hàng. Ngân hàng chỉ thành công khi khách hàng thành công”.

Lần thứ hai, kết thúc năm 2018, câu hỏi đặt ra sau một năm thế giới nhiều biến động lớn, xung đột thương mại, biến động lãi suất, thậm chí ám ảnh chu kỳ 10 năm khủng hoảng lặp lại… Cụ thể hơn, hoạt động ngân hàng tại Việt Nam có những nhận định đã đi vào “vùng đỉnh” của lợi nhuận, mà sức tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại.

Với Techcombank, 2018 đánh dấu năm thành viên này trở lại vị thế hàng đầu hệ thống như từng có thời hoàng kim 2006 - 2011. Lần đầu tiên Việt Nam có ngân hàng tư nhân vượt mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận, có các chỉ số hiệu quả và sinh lời ở nhóm hàng đầu khu vực.

“Cảm xúc của tôi rất tự hào khi năm qua ngân hàng đạt tất cả các mục tiêu. Điều quan trọng là những nỗ lực của mình được ghi nhận từ bên ngoài, rõ ràng và minh bạch, qua các con số. Cái mình làm được và được bên ngoài ghi nhận, ví dụ như qua những con số kết quả chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hồi tháng 4/2018. Hay khi công việc của mình làm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, để mang lại bằng những con số tốt, như doanh thu và lợi nhuận. Thành công này không phải tự nhiên xẩy ra, mà có đồng hành của mọi người. Thành công lớn nhất là sự đồng hành của các đối tác, của khách hàng và cán bộ nhân viên”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh nói.

Cùng nâng tầm ngân hàng Việt

Trong thành công đó, điều ông hài lòng nhất là gì?

Đó là bảng cân đối của Techcombank ngày càng chất lượng hơn. Ở đó những khoản nợ mới được đưa vào mà chất lượng của chúng ngày càng tốt hơn. Mọi người thấy đó, đóng góp lớn cho lợi nhuận năm qua là phần giảm nhiều từ dự phòng nợ xấu. Đó là một điểm chính trong thành công của Techcombank trong mấy năm qua.

Ngoài ra, tất cả mọi người trong ngân hàng hiểu rõ chiến lược và cách làm tốt nhất. Tất nhiên, thành quả hiện nay phải được chuẩn bị từ 3-4 năm trước.

Còn sự chuẩn bị cho năm 2019 và xa hơn, ông có thể chia sẻ?

Năm tới chúng tôi sẽ đưa ra định vị thương hiệu. Chúng tôi đang ráo tiết chuẩn bị cho kế hoạch này. Chúng tôi muốn đưa ra một định vị để mọi người hiểu Techcombank là ai, hứa gì với khách hàng, với cộng đồng… Khẳng định những điều đó rõ hơn.

Còn hoạt động ngân hàng, doanh thu hay lợi nhuận là những con số kết quả trong năm, nhưng mọi người trong ngân hàng không tập trung quá nhiều về con số đó. Chúng tôi tập trung nhiều hơn về việc chuyển đổi, thay đổi cách làm việc, thay đổi quy trình để giao dịch, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Trong sự chuẩn bị và tập trung chuyển đổi, thay đổi đó, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng đang ngày càng quyết liệt hơn. Techcombank có kế hoạch nới rộng khoảng cách trong cạnh tranh và kết quả dự kiến đạt được so với các ngân hàng khác không?

Mục đích chính của Techcombank là phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.  Thành thử khi các ngân hàng khác cũng thay đổi và cũng hướng tới phục vụ tốt nhất thì cái đó rất tốt cho mọi bên, nhất là khách hàng và người dân Việt Nam.  Tôi không xem đó là một sự cạnh tranh, mà là sự đồng hành để nâng tầm thị trường và hệ thống ngân hàng Việt Nam mình, nâng thành công chung của hệ thống. Tôi nhìn vào đó mà vui, hơn là xem ai chạy chậm, ai chạy lẹ.

Vấn đề ở đây là tất cả mọi người, tất cả các ngân hàng cùng làm việc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp Việt. Đây là thành công chung của đất nước.

Thành quả từ sự chuẩn bị lâu dài

Một trong những thay đổi lớn trong tầm thị trường và tầm hoạt động của các ngân hàng Việt Nam hiện nay là xu hướng đầu tư mạnh và phát triển ngân hàng số. Ông có thể cho biết hướng đi của Techcombank ở riêng mảng này?

Trong chiến lược Techcombank 2016 - 2020, kế hoạch đã xác định đầu tư khoảng 300 triệu USD cho mảng này. Mỗi năm số tiền đầu tư sẽ từng bước được giải ngân, nhưng cái khó nhất trong đầu tư công nghệ thông tin không phải là mua hệ thống, mua các dàn máy kỹ thuật. Cái khó nhất là chuẩn bị nguồn lực bên trong, điều chỉnh quy trình và cách làm việc của mình để tận dụng được hệ thống công nghệ, và nâng hiệu quả vận hành. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài. Chỉ khi chuẩn bị nhân lực và nguồn lực sẵn sàng thì chúng tôi mới đầu tư công nghệ hạ tầng. Vì thế, Techcombank đã đi trước bằng chuyển đối cách làm việc và chuẩn bị nguồn lực.

Thành công này không phải tự nhiên xẩy ra, mà có đồng hành của mọi người. Thành công lớn nhất là sự đồng hành của các đối tác, của khách hàng và cán bộ nhân viên

Xin được chia sẻ thêm là góc nhìn của tôi hơi ngược một chút. Nếu đầu tư công nghệ thông tin tốt thì khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ hài lòng vì chất lượng dịch vụ của mình chạy tốt, chứ không hẳn chỉ là những gì hào nhoáng bên ngoài. Bởi vì cái khó chính là cốt lõi bên trong, là nền tảng của ngân hàng.

Ví dụ như trong hai năm qua (từ tháng 9/2016) chúng tôi thực hiện chương trình “E-Banking 0 đồng”, miễn phí mọi giao dịch trực tuyến cho khách hàng cá nhân, rồi tiếp đó là cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa… Để làm được thì ngân hàng phải chuẩn bị nguồn lực từ ba năm trước. Vì khi đưa ra triển khai chương trình này, số lượng người dùng rất cao. Trong vòng hai năm trở lại đây số lượng dùng dịch vụ của chúng tôi đã tăng tới hơn 10 lần. Để đáp ứng được mức độ tăng hơn chục lần như vậy thì hệ thống đã phải chuẩn bị từ trước, và quy trình dịch vụ phải được điều chỉnh, nếu không thì không thể đáp ứng được dung lượng đó.

Vì thế, nếu bên ngoài hào nhoáng mà không chuẩn bị bên trong được tốt nhất thì chỉ gây rối chứ không giải quyết được vấn đề.

Ở trọng tâm hoạt động và mục tiêu kinh doanh, năm 2019 Techcombank định hướng thế nào?

Các con số của năm 2019 sẽ được công bố tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông sắp tới. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng trọng tâm hoạt động sẽ không khác 2018, 2017, 2016. Đà của ngân hàng vẫn tiếp tục đi, vẫn hướng nhiều về khách hàng cá nhân. Bảng cân đối càng nghiêng nhiều về khách hàng cá nhân thì mức độ rủi ro tín dụng sẽ giảm xuống.

Ngoài ra, để đảm bảo song hàng cùng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà Nước, Techcombank tập trung nhiều ở mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với những tập đoàn, những công ty lớn, chúng tôi hỗ trợ họ huy động vốn bằng cách dùng các thị trường tài chính bên ngoài, chứ không dựa trên bảng cân đối của ngân hàng. Vì như mọi người đều biết, đâu đó gần 2/3 dòng tiền trong nước đang nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Đó là nguồn tài chính rất lớn mà hiện chưa được tận dụng. Phát triển qua hệ thống ngân hàng mới chỉ được khoảng 1/3 thôi.

Vậy làm thế nào để chuyển dòng tiền bên ngoài đó vào hệ thống, biến nó thành nguồn đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn? Đó chính là mục tiêu của chúng tôi, mỗi ngày phải làm sao hướng đến khai thác được dòng vốn đó. Và đó cũng là mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài Chính, và Ngân hàng Nhà Nước.

Ông vừa nói đưa bảng cân đối càng nghiêng nhiều về khách hàng cá nhân thì mức độ rủi ro sẽ giảm xuống. Ông có thể lý giải cụ thể hơn không?

Vâng, ví dụ mình có khoản vay cho một công ty là 1.000 tỷ đồng, mọi rủi ro tín dụng đều tập trung vào công ty đó.  Nếu mình chia khoản vay đó ra 10 công ty trung bình, thì khả năng cả 10 đều gặp rủi ro thì không cao cho lắm. Giờ mình phân tán ra 1.000 khách hàng cá nhân thì khả năng cả 1.000 người đó bị mất vốn sẽ thành rất thấp. Thành thử vấn đề quản trị rủi ro, nhất là với rủi ro tín dụng, thì cần phân tán nhỏ ra.

Điểm quan trọng ở đây nữa, nếu cho vay một công ty như trên, dù gì đi nữa thì công ty đó cũng chỉ nằm trong một ngành. Thành thử những ảnh hưởng kinh tế vĩ mô đến ngành đó thì mình chịu trận. Giờ từ một ngành đó mình biến thành 10 ngành, lĩnh vực nhỏ hơn, ngành nghề đa dạng hơn thì những ảnh hưởng vĩ mô khó ảnh hưởng đến tất cả 10 ngành đó. Còn đối với 1.000 người vay thì ảnh hưởng vĩ mô không thể ảnh hưởng đến cả 1.000 người cùng một lúc được.  Như thế, rủi ro tín dụng sẽ được giảm thiểu đến mức tối đa.  Dĩ nhiên, chi phí vận hành cho cả 1.000 cá nhân vay sẽ cao hơn.  Vì thế, đầu tư công nghệ và vận hành xuất sắc là hai điều mấu chốt để chúng tôi có thể thuyên chuyển trọng tâm của bảng cân đối về khách hàng cá nhân hơn.

Lạc quan với năng lực của đất nước

Trở lại định hướng năm 2019, ông lường định thế nào khi vừa trải qua năm 2018 với bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhất là xung đột thương mại diễn ra phức tạp trên thế giới, rồi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất, mà thậm chí có những cảnh báo ám ảnh về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng…?

Thực ra tôi là người rất lạc quan. Ngay cả những lúc có khủng hoảng thì tôi vẫn lạc quan. Vì sau cơn mưa trời lại sáng mà. Thành thử những gì xẩy ra trong 2018 đọng lại là những biến động của thị trường chứng khoán, tranh chấp thương mại, FED tăng lãi suất nhiều lần… Nhưng nếu nhìn lại thì Việt Nam không đi cùng chiều với tác động và biến động tiêu cực.  Điển hình là năm vừa rồi nước ta tăng trưởng GDP hơn 7%. Chắc chắn Việt Nam chịu một số ảnh hưởng từ những yếu tố tài chính bên ngoài, dao động kinh tế vĩ mô trên thế giới.  Kinh tế Việt Nam có một phần lớn tập trung vào xuất nhập khẩu, nhưng kinh tế trong nước với sức tiêu thụ, tiêu dùng trong nước đang trên đà phát triển mạnh, gần gấp đôi mức độ tăng trưởng kinh tế quốc gia (GDP). Khi nhìn vào góc độ đó thì đây là nền tảng rất tốt, vững cho nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng, nhưng sẽ không tác động lớn như nhiều năm trước.

Nến tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam đang phát triển tốt. Nếu tôi nhớ không nhầm thì 2019 sẽ cán ngưỡng 95 triệu dân. Lực lượng dân số trẻ đông đảo, khả năng lao động của họ lớn. Thành thử, chúng ta sẽ giữ được vị thế tăng trưởng kinh tế Việt Nam bằng nguồn lực trong nước, đây là điểm mà tôi lạc quan.

Chúng tôi muốn đưa ra một định vị để mọi người hiểu Techcombank là ai, hứa gì với khách hàng, với cộng đồng…

Còn với ngân hàng, Techcombank tập trung nhiều vào các lĩnh vực sản xuất trong nước, người tiêu dùng trong nước, cũng như những ngành hàng mình xuất khẩu được ra nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh. Điều đó giúp đảm bảo được rằng, dù kinh tế thế giới biến động mạnh, thì những trọng tâm này vẫn tiếp tục phát triển.

Nói chung, tôi lạc quan với năm 2019. Dù những biến động trên thế giới chắc chắn chúng tôi không lường được, nhưng tôi lạc quan với nội tại của kinh tế Việt Nam vững, nền tảng chính trị ổn định.

Ngoài ra tôi vẫn nhấn mạnh đến nguồn năng lực của người trẻ, dân số trẻ trong nước đang tăng mạnh. Ví dụ như sau mỗi trận thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia, nhìn những dòng người trẻ đổ ra đường, đối với tôi đây là nguồn tài nguyên trọng yếu của nước Việt.

Trong sự lạc quan đó, hệ thống ngân hàng và Techcombank nói riêng, có dự báo sức tăng trưởng đang đến giới hạn, hay vẫn có nhận định rằng lợi nhuận ngân hàng Việt Nam đã ở “vùng đỉnh”?

Câu nói này đúng ở một số trường hợp, nhưng có thể không đúng ở những trường hợp khác.

Ngân hàng Nhà nước rất thận trọng trong định hướng phát triển bảng cân đối của các ngân hàng thương mại. Thận trọng và rất cần, để đảm bảo mức độ bền vững của hệ thống. Tôi nghĩ đây là một điểm sáng trong nền kinh tế cũng như trong quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, những nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhìn lại kinh tế Việt Nam, bắt đầu nhìn lại ngành ngân hàng Việt Nam, thì thấy sau những năm khủng hoảng khối ngân hàng tư nhân bắt đầu vực lại. Đó cũng là một điểm sáng. Và họ có điều kiện để tăng vốn tốt hơn. Tăng vốn là điều cần để tăng trưởng bền vững, khi có nợ xấu xẩy ra thì ngân hàng có đủ vốn để chịu đựng.

Riêng về Techcombank, năm vừa rồi đã tăng vốn rất tốt. Và kết năm, lượng vốn giữ lại đã đưa Techcombank thành một ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao. Nhờ vậy, Techcombank có điều kiện để tiếp tục phát triển, đầu tư vào công nghệ thông tin, đầu tư vào con người... mà không chạy theo những con số doanh thu có thể tiềm ẩn hậu quả như về tín dụng.

Vậy nên Techcombank là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao nhất, tính theo Basel 2. Hội đồng Quản trị vẫn giữ mức độ cao đó để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.

Sau nhiều năm biến động của ngành ngân hàng, Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo Techcombank cùng quan điểm và thống nhất rằng, an toàn của ngân hàng quan trọng hơn doanh thu và lợi nhuận ngắn hạn.

Xin cảm ơn ông!

Techcombank dẫn đầu thị trường về doanh số thanh toán qua thẻ Visa tại Việt Nam
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa vinh dự được Tổ chức Thẻ Quốc tế Visa trao tặng giải thưởng Ngân hàng phát hành và Thanh toán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư