Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
CEO VIMC lý giải chọn kịch bản kinh doanh thận trọng trong năm 2023
Anh Minh - 20/04/2023 14:52
 
Thị trường vận tải biển suy giảm mạnh, cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải là những lý do khiến “ông lớn” hàng hải chủ động hạ thấp một loạt chỉ tiêu kinh doanh năm 2023.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC giải trình với các cổ đông về phương án kinh doanh năm 2023 của VIMC.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC giải trình với các cổ đông về phương án kinh doanh năm 2023 của VIMC.

“Các cổ đông luôn muốn các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp năm sau phải tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh năm 2023 của ngành hàng hải trong nước và thế giới đang diễn biến theo chiều hướng xấu buộc Hội đồng quản trị phải lựa chọn một kịch bản thận trọng hơn so với năm 2022 và năm 2021”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VIMC vừa được tổ chức vào sáng nay.

"Biển động" bất thường

Theo CEO VIMC, việc nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái trên diện rộng đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực vận tải biển.

Cụ thể, trong khi chỉ số BDI năm 2022 luôn duy trì ở mức trên 2.000 điểm, thậm chí đã có thời điểm chạm mức 3.353 điểm vào ngày 20/5 do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, thì năm 2023 các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu đều dự báo thị trường sẽ đón nhận sự suy giảm mạnh. Dự báo, chỉ số BDI sẽ dao động cao nhất trong khoảng từ 1.300 – 1.500 điểm trong năm 2023 chủ yếu là do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới; dư thừa cung tải đội tàu biển toàn cầu. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới nhu cầu vận chuyển hàng rời khiến giá cước giảm mạnh trong năm 2023.

Cũng do nền kinh tế thế giới đang trong “điều kiện thời tiết bất lợi” nên hoạt động kinh doanh của các đơn vị khai thác cảng biển – lĩnh vực mang lại doanh thu lớn và ổn định của VIMC cũng sẽ gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm. Tình trạng khó khăn sẽ còn trầm trọng hơn do các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ hãng tàu của các địa phương đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp cảng tại tất cả các khu vực.

Lĩnh vực dịch vụ hàng hải từng là thế mạnh của VICM trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều sự cạnh tranh do nhiều trung tâm logistics, ICD mới tại các địa phương tiếp tục được triển khai đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung các lĩnh vực hoạt động, tạo ra chuỗi dịch vụ trọn gói của chủ hàng, nhà sản xuất lớn khiến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Bên cạnh đó, xu thế hiện nay các hãng tàu tham gia sâu vào lĩnh vực logistics dẫn đến các công ty logistics trong nước đang mất dần thị phần. Các cảng, đơn vị tư nhân đều có định hướng xây dựng ICD hoặc liên kết với hãng tàu lập ra các công ty logistics nhằm khép kín dịch vụ để thu hút các hãng tàu đưa tàu lớn vào khai khác.

Đây là những lý do mà Hội đồng quản trị VIMC chỉ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua các chỉ tiêu kinh doanh “khiêm tốn”, trong đó doanh thu hợp nhất là 13.354 tỷ đồng (87% thực hiện 2022); doanh thu công ty mẹ đạt 2.024 tỷ đồng (84% thực hiện 2022); lợi nhuận hợp nhất 2.330 tỷ đồng (76% thực hiện 2022); lợi nhuận Công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng (47% thực hiện 2022).

Theo CEO VIMC, với một doanh nghiệp đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trước đây, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá nên năm 2023, chúng tôi xác định xây dựng kịch bản điều hành, kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở duy trì sự ổn định, đảm bảo tính khả thi nhưng vẫn có khát vọng, thách thức với các mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra. Trong thời kỳ “chờ thời” này, VIMC sẽ tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; tập trung hoàn thành đúng kế hoạch các dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có bến số 3, 4 cảng Lạch Huyện – Hải Phòng; mở rộng doanh thu, lợi nhuận tại các lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt; triển khai có hiệu quả Đề án Đề án cơ cấu lại VIMC sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Đến thời điểm này VIMC đã thực hiện IPO, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được tròn 5 năm. Trong 5 năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của chúng tôi đã tốt hơn rất nhiều giai đoạn trước CPH. Đây là nền tảng để Hội đồng quản trị VIMC tin tưởng Tổng công ty sẽ vượt qua những khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2023”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Thắng lợi lớn trong năm 2022

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VIMC, các cổ đông đã thông qua Báo cáo tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 – một trong những kết quả kinh doanh tốt nhất của Tổng công ty trong vòng 10 năm trở lại đây.

VIMC đã xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động cốt lõi, lựa chọn các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo chuỗi giá trị xoay quanh các mặt hàng chiến lược.

Trong năm 2022, Hội đồng quản trị và Ban điều hành VIMC đã bám sát sao tình hình và diễn biến thị trường vận tải biển để có chỉ đạo kịp thời đối với các doanh nghiệp vận tải biển: nỗ lực bám sát, tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu hóa các hợp đồng thuê tàu định hạn, duy trì các hợp đồng với mức giá tốt.

VIMC cũng đã phát triển các tuyến mới cho đội tàu container (Bangladesh, Chitagong), các tuyến xa, mức cước cao cho đội tàu hàng rời (Nhật Bản, Úc, Nam Mỹ… ; liên tục cải tiến, áp dụng công cụ quản trị hiện đại, tiên tiến trên nguyên tắc « 1 hệ thống, 2 trung tâm, 3 chiến lược »; triển khai mạnh mẽ và hiệu quả công tác tái cơ cấu tài chính đặc biệt đối với các khoản dư nợ bằng ngoại tệ, nhờ đó dự nợ ngoại tệ giảm xuống mức thấp.

Điều này góp phần cải thiện đáng kể các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được năm 2022 của VIMC, trong đó, sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty đạt 21,8 triệu tấn (95% cùng kỳ; 113% kế hoạch); sản lượng hàng thông qua cảng đạt 124 triệu tấn (98% cùng kỳ; 93% kế hoạch); doanh thu hợp nhất đạt 15.300 tỷ đồng (106% cùng kỳ; 122% kế hoạch); doanh thu công ty mẹ: 2.417,4 tỷ đồng (132% cùng kỳ; 143% kế hoạch); lợi nhuận hợp nhất: 3.055 tỷ đồng (84% cùng kỳ; 121% kế hoạch); lợi nhuận Công ty mẹ: 653 tỷ đồng (283% cùng kỳ; 272% kế hoạch).

Cũng trong năm 2022, khối cảng biển tiếp tục tăng trưởng ổn định, năm 2022 hệ thống cảng của VIMC phát triển thêm được 10 tuyến dịch vụ container mới về cảng bao gồm Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Cảng Đà Nẵng (1 tuyến) , Cảng Quy Nhơn (1 tuyến), Cảng CMIT 3 tuyến), Cảng SSIT (2 tuyến), Cảng CICT (1 tuyến).

Đặc biệt, năm 2022 VIMC tích cực triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký kết với hãng tàu container lớn nhất thế giới - MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ, TP.HCM, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Trong năm 2022, chi phí tài chính của một số doanh nghiệp khối vận tải biển VIMC đã giảm xuống mức thấp do các khoản vay nợ thương mại hầu hết đã được tất toán hoặc tái cấu trúc. Nhờ kết quả của công tác tái cấu trúc nợ vay có gốc ngoại tệ với các tổ chức tín dụng trong nước trong vài năm qua nên dự nợ ngoại tệ giảm xuống mức thấp. Lợi nhuận toàn khối vận tải biển năm 2022 đạt 1.823 tỷ đồng (bằng 170% so với năm 2021 và bằng 141% kế hoạch năm 2022).

Trong bối cảnh các tập đoàn, đơn vị sản xuất trực tiếp thực hiện dịch vụ logistics, bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp tư nhân (ưu thế tuyệt đối về tính linh hoạt, tiềm lực tài chính, ...), khối dịch vụ hàng hải của VIMC sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2022, VIMC đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu quản trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của khối dịch vụ hàng hải. Lợi nhuận toàn khối dịch vụ năm 2022 đạt 81 tỷ đồng (bằng 81% so với năm 2021 và bằng 65% kế hoạch năm 2022).

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, các cổ đông của VIMC đã nhất trí không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022 của VIMC do bù đắp lỗ lũy kế của các năm trước và còn lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2022 là – 217 tỷ đồng.

Đắn đo phương án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
Phương án thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) tại một số doanh nghiệp cảng biển thành viên vẫn chưa nhận được sự đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư