Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cán mốc lợi nhuận 3.129 tỷ đồng trong năm 2022
Anh Minh - 06/01/2023 14:23
 
Cả hai chỉ tiêu kinh doanh quan trọng nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) là doanh thu, lợi nhuận năm 2022 đều vượt xa kế hoạch đề ra.
Tàu Conship Pep – Chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ mới CHX của hãng tàu ZIM cập Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) ngày 15/7/2022. Ảnh: VIMC
Tàu Conship Pep – Chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ mới CHX của hãng tàu ZIM cập Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) ngày 15/7/2022. Ảnh: VIMC

Mặc dù còn phải chờ kết quả kiểm toán báo cáo tài chính để có số liệu chính xác, nhưng có đến 99% khả năng VIMC sẽ có năm kinh doanh thứ hai liên tiếp đạt lợi nhuận vượt mốc 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2022, sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty ước đạt 21,8 triệu tấn, đạt 113% kế hoạch 2022; sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 124 triệu tấn đạt 93% kế hoạch 2022), sản lượng container ước đạt 5,8 triệu TEU đạt 97% kế hoạch 2022.

Doanh thu hợp nhất của VIMC uớc đạt 15.041 tỷ đồng, bằng 105% cùng kỳ 2021 và 120% kế hoạch 2022, trong đó doanh thu Công ty mẹ ước đạt 2.339 tỷ đồng, bằng 128% cùng kỳ 2021; 138% kế hoạch 2022. Lợi nhuận hợp nhất của VIMC ước đạt 3.129,5 tỷ đồng bằng 124% kế hoạch, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 682 tỷ đồng, bằng 296% cùng kỳ 2021 và bằng 284% kế hoạch.

Cũng trong năm 2022, lợi nhuận toàn khối vận tải biển của VIMC ước đạt 1.869 tỷ đồng (174% cùng kỳ 2021; 144% kế hoạch 2022). Ngoại trừ Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông - OSTC có kết quả lỗ (ước lỗ 348 tỷ đồng, do chi phí lãi vay và khấu hao lớn), các đơn vị trong khối đều có kết quả lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng so với cùng kỳ.

Một số đơn vị vận tải biển có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật bao gồm Vosco đạt lợi nhuận 659 tỷ đồng (130% cùng kỳ), VIMC Shipping đạt lợi nhuận 415,5 tỷ đồng (246% cùng kỳ), Vinaship đạt lợi nhuận 319 tỷ đồng (176% cùng kỳ).

Ngoài ra, năm 2022, một số đơn vị đã tích cực đẩy mạnh và đạt kết quả tốt trong công tác tái cơ cấu tài chính như Bisco, Vitranschart. Với tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao, tiềm năng phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam lại chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận, chiếm đến trên 90%, đặc biệt các tuyến biển xa như châu Mỹ, châu Âu. Đội tàu trong nước chủ yếu vận tải nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á. Đội tàu của Việt Nam hiện chưa thể cạnh tranh được đội tàu nước ngoài do cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, trọng tải nhỏ, trong khi xu hướng thế giới phát triển tàu trọng tải lớn để tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt là đội tàu container và tàu chuyên dụng.

Cụ thể, đội tàu của VIMC đang quản lý đội gồm 59 chiếc, trong đó có 04 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Hầu hết các tàu được mua đã qua sử dụng hoặc đóng mới từ trước năm 2010, tuổi tàu trung bình là 20 tuổi.

“Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và giai đoạn suy thoái của ngành vận tải biển nên các doanh nghiệp vận tải biển nhiều năm bị thua lỗ; cùng với các vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư nên nhiều năm nay các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu, trong khi đội tàu hầu hết tuổi cao, tính năng không đồng bộ”, lãnh đạo VIMC thông tin.

Hoạt động SXKD của khối cảng biển VIMC trong năm 2022 tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, các cảng mới liên tục ra đời kéo theo tình trạng dư cung (đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy giảm) như: Cảng quốc tế Lạch Huyện HICT sau khi hoàn thành công tác nạo vét đã đi vào hoạt động ổn định, Cảng Nghi Sơn, Cảng Chân Mây, Cảng Chu Lai, Cảng Vĩnh Tân, Nam Vân Phong, Bắc Vân Phong, Tân Cảng - Petro Cam Ranh, Cảng Dung Quất - Hoà Phát tại khu vực Miền Trung, Cảng Gemalink tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ...

Trong khi hệ thống phương tiện thiết bị, cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng của VIMC còn thiếu đồng bộ, luồng vào cảng chưa được nạo vét kịp thời gây ảnh hưởng đến khai thác,…khiến năng lực cạnh tranh bị hạn chế.

Mặc dù vậy, kết quả của khối cảng biển năm 2022 vẫn cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu, đóng góp tích tực vào kết quả chung. Sản lượng khối cảng biển năm 2022 của VIMC ước đạt 124 triệu tấn (93% kế hoạch 2022). Lợi nhuận khối cảng biển năm 2022 ước đạt 1.550 tỷ đồng (93% kế hoạch 2022).

Một số đơn vị cảng biển đạt được kết quả nổi bật trong công tác sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường như: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Khuyến Lương. Trong đó, năm 2022, Cảng Hải Phòng đã thu hút được toàn bộ service của hãng tàu Maersk/Sealand tại khu vực Đình Vũ – Hải Phòng.

Trong năm 2023, VIMC dự báo bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến không thuận, ảnh hưởng lớn đến ngành hàng hải toàn cầu.

Vì vậy, VIMC chỉ đặt mục tiêu đạt sản lượng vận tải biển khoảng 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển đạt 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất đạt 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.330 tỷ đồng.

Vận tốt trở lại với “ông lớn” ngành hàng hải VIMC
Thắng lớn trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là vận tải biển - khai thác cảng - dịch vụ logistics sẽ giúp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư