Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chậm khắc phục những khiếm khuyết của thị trường
Bảo Duy - 26/07/2015 09:45
 
Sự sốt ruột của người dân về tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam, tâm lý lưỡng lự trong đánh giá sự cần thiết của những can thiệp hành chính vào thị trường cho thấy, Việt Nam cần thêm bước đi mạnh mẽ hơn trong cải cách kinh tế.

Đây là một trong những phát hiện đáng quan tâm của Khảo sát Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam (CAMS) 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện công bố mới đây. Lý do là, so với thời điểm công bố CAMS lần đầu tiên 3 năm về trước, nền kinch tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước chuyển tích cực.

Đặc biệt, đây cũng là thời gian đánh dấu một loạt cải cách thể chế quan trọng với nhiều đạo luật thể hiện tư duy quản lý của Nhà nước về kinh tế đã thay đổi theo hướng ngày càng tiệm cận luật pháp quốc tế, đề cao và chú trọng hơn vai trò của thị trường, của doanh nghiệp, tiêu biểu như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014...   

Không ít ý kiến cho rằng, tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua còn chậm
Không ít ý kiến cho rằng, tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua còn chậm

 

Hơn thế, sau gần 30 năm đổi mới, cho dù còn nhiều việc cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng cơ chế thị trường đã có sức thuyết phục với đông đảo người dân Việt Nam.

Khảo sát CAMS 2011 và 2014 đều cho thấy, phần lớn người dân Việt Nam ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, ủng hộ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ủng hộ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, ủng hộ chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công…

Tuy vậy, theo kết quả của CAMS qua khảo sát hơn 1.600 người, người dân cũng nhìn thấy hệ thống kinh tế thị trường chưa thực hoàn chỉnh đã khiến những mặt tốt của thị trường không được phát huy, trong khi những khiếm khuyết của thị trường chậm được kiểm soát và khắc phục.

Điều đó lý giải vì sao, cho dù có tới 89% người tham gia khảo sát ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, 71% ủng hộ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp, thì vẫn có tới 75% (tăng 7% so với CAMS 2011) muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá với những hàng hóa thiết yếu và chỉ có 47% số người muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước đánh giá hiệu quả các chương trình bình ổn giá. Ngay cả với mong muốn xã hội hóa dịch vụ công, dù tỷ lệ ủng hộ là phần lớn, song tỷ lệ ủng hộ nhưng quan ngại lên tới 57%. Đặc biệt, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua còn chậm.

Phải thấy rằng, thực trạng trên đang tạo nên những rủi ro, thậm chí là rào cản không nhỏ trong sự vận hành của nền kinh tế, cũng như nỗ lực cải cách kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam. Khi đó, việc lựa chọn cách thức vận hành sao cho hiệu quả tất nhiên sẽ gặp khó khăn.

Câu hỏi đặt ra là, những cảm nhận này đến từ khoảng cách giữa văn bản và thực hiện, hay là những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện chưa đáp ứng thoả đáng nhu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp?

Mặc dù 1.600 người tham gia khảo sát của CAMS chưa đại diện cho toàn bộ người dân Việt Nam, nhưng rõ ràng, kết quả này là một trong những chỉ báo giúp các cơ quan hoạch định chính sách cũng như các cơ quan nghiên cứu có thêm dữ liệu tham khảo, qua đó thúc đẩy những chương trình nghiên cứu và hành động cụ thể. Yêu cầu ở đây là tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam vận hành đúng hướng, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống để người dân thực sự cảm nhận được tính thị trường đầy đủ của một nền kinh tế.

Điều chỉnh tiền lương gắn với kinh tế thị trường
() Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cơ chế, chính sách tiền lương của Việt Nam đang được cải cách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư