Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chấm thi tốt nghiệp THPT được thực hiện ra sao?
D.Ngân - 10/07/2021 09:50
 
Công tác chấm thi đã được tiến hành ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc và theo kế hoạch sẽ công bố kết quả thi THPT vào ngày 26/7.

Ngay sau khi kết thúc công tác coi thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (đợt 1), một khâu quan trọng tiếp theo là chấm thi. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ này sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi.

Theo Bộ Giáo dục vả Đào tạo, nếu giám khảo làm việc nghiêm túc, chặt chẽ sẽ khó xảy ra gian lận và hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.

Đối với nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu yêu cầu các địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm bảo đảm đúng quy chế và theo hướng dẫn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, phải có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh, công tác làm phách và chấm thi sẽ được tiến hành ngay sau khi kỳ thi kết thúc để kịp thời công bố kết quả theo kế hoạch vào 26/7.

Bộ sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi. Cụ thể, đáp án môn Ngữ văn sẽ công bố trước, sau đó là các môn trắc nghiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

Về quy trình chấm thi theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, công tác chấm thi được thực hiện theo quy trình khác nhau của chấm bài thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm. 

Sáng ngày 10/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1.

Phần chấm thi tự luận sẽ thực hiện theo nguyên tắc một bài thi phải được 2 giám khảo ở 2 tổ khác nhau chấm độc lập, nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Việc chấm thi sẽ thực hiện theo quy trình hai vòng độc lập.

Cụ thể, bài thi phải được giám khảo 1 chấm trước; sau đó trả về cho tổ thư ký để tổ này chuyển tiếp bài thi đó cho giám khảo 2. Giám khảo 2 chấm xong sẽ lại trả lại bài về tổ thư ký. Có đủ điểm của 2 giám khảo, một bộ phận sẽ thực hiện việc thống nhất điểm.

Trường hợp điểm được chấm bởi 2 giám khảo có độ chênh lớn mà 2 giám khảo không thống nhất được, phải có thống nhất của người thứ 3. Trong quy chế đã quy định rất rõ cách xử lý với những tình huống tương tự. 

Cũng theo quy chế, mỗi hội đồng thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận. Khi chấm kiểm tra, nếu thấy có sự chênh lệch phải điều chỉnh; nếu phát hiện chấm sai sẽ kịp thời uốn nắn. 

Cán bộ chấm kiểm tra có thể kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Với quy định như vậy, nếu giám khảo làm việc nghiêm túc, chặt chẽ sẽ khó xảy ra gian lận và hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh, chúng ta có hoạt động chấm phúc khảo và chấm thẩm định với những quy định cụ thể đã được nêu rõ trong quy chế. Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra quy chế bắt buộc phải chấm chung trong toàn ban Ban chấm thi tự luận (ít nhất 10 bài) để thống nhất nhận thức, biểu điểm và nhận định tình hình.

Theo quy định, hội đồng có dưới 30.000 thí sinh phải chấm chung. Theo đó, trong điều kiện dịch Covid-19 sẽ có một số nơi gặp khó khăn. Tuy nhiên, các tổ chấm thi có thể họp trực tuyến. 

Qua đó, vừa thực hiện giãn cách, vừa có thể thực hiện việc chấm chung; từ đó thống nhất nhận thức, rồi triển khai thực hiện. Còn với những hội đồng trên 30.000 bài thi, có thể chia về các tổ chấm. Việc này các tỉnh sẽ quyết định.

Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được thể hiện rất rõ trong quy chế. Quy trình đưa ra 4 đĩa CD rất chặt chẽ. Đầu tiên là quét ảnh bài thi, đưa ra một đĩa CD, gọi là CD0. 

Theo đó, một CD0 gửi cho Chủ tịch Hội đồng, một gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban chấm thi giữ một bản. Có CD0 rồi sẽ chuyển thành định dạng chấm là CD1.

Quy trình chấm rất chặt chẽ, từ CD0 sang CD1 có mật khẩu. Mật khẩu đó phải được Chủ tịch Hội đồng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) nắm giữ, khi làm hết thao tác quy trình bước 1, giám đốc sở mới cho mật khẩu chuyển sang bước 2; sau đó đến bước 3, bước 4, tất cả đều có mật khẩu riêng.

Việc lùi quy trình (ví dụ đang ở quy trình 3, sang quy trình 1, 2) sẽ không làm được. Việc này chỉ thực hiện được khi báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo và phải được sự thống nhất chỉ đạo. Khi đó, mới có thể xem ngược lại quy trình. Như vậy, các dữ liệu được quản lý chặt chẽ.

Với bài thi tự luận, nhiều người băn khoăn về việc chấm thi sẽ không đều tay giữa các địa phương, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, hiện có sự thống nhất về hướng dẫn chi tiết việc chấm bài thi tự luận nên việc điều chỉnh điểm trong một câu rất ít. Nếu cán bộ chấm thi thực hiện theo đúng hướng dẫn là bảo đảm công bằng và không có sự chênh lệch.

Các giáo viên dự đoán phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT
Ít thí sinh đạt điểm tuyệt đối, điểm trung bình thì sinh đạt được là từ 5 đến 7 là đánh giá của nhiều giáo viên với đề thi thuộc các tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư