Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Chậm trễ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, nhiều cơ quan ở Kon Tum bị phê bình
Linh Đan - 17/05/2023 11:05
 
Hàng loạt cơ quan ở Kon Tum bị phê bình vì để xảy ra tình trạng chậm trễ khi giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Thông báo kết luận của ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh về tinh thần, thái độ phục vụ, xử lý công việc của các cơ quan chức năng khi hướng dẫn, tiếp nhận, phối hợp xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính của các doanh nghiệp vào ngày 10/5.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kết luận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, sớm đưa các dự án khai thác khoáng sản vào hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu về vật liệu thi công xây dựng công trình của nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các sở, ban ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian không cần thiết; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thành phố trong công tác phối hợp còn để xảy ra tình trạng chậm trễ khi giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

“Yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm; khi giải quyết kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, có thời gian, hạn định để xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Kon Tum yêu cầu Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan khi tiếp nhận hồ sơ liên quan đến việc cấp phép hoạt động khoáng sản thuộc phạm vi, trách nhiệm giải quyết của ngành, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ công việc, đúng quy định của pháp luật đối với các thủ tục hành chính của ngành, đơn vị, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo hoặc nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa bảo đảm theo quy định, phải có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Việc hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ chỉ thực hiện một lần.

Các cơ quan kể trên phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, tạo dư luận không tốt trong các doanh nghiệp và nhân dân.

Ông Lê Ngọc Tuấn cũng đề nghị các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định; đồng thời cung cấp thông tin đến Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum để theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc xảy ra tình trạng chậm trễ xử lý của các đơn vị chức năng thì kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin đến Chủ tịch UBND tỉnh (bằng văn bản, hoặc điện thoại, email, zalo) và địa chỉ điện tử email: [email protected] để xử lý theo quy định.

Khi tổ chức lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp chặt chẽ các cơ quan chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố đảm bảo điểm mỏ không thuộc vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; không thuộc đất rừng tự nhiên hoặc tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; không tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật; không chồng chéo về quy hoạch, các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; đảm bảo chính xác về vị trí, địa điểm khu vực, tọa độ khép góc phù hợp với quy hoạch khoáng sản, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt...

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, thống kê các điểm mỏ (đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản), trên cơ sở đó làm rõ điểm mỏ nào còn tồn đọng chưa được cấp phép; nguyên nhân, lý do, trách nhiệm cụ thể thuộc tổ chức, đơn vị nào, thời gian nào xử lý dứt điểm. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/5/2023.

Đối với các điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường trong lòng hồ công trình thủy điện, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tham mưu việc lập thủ tục thu hồi đất đối với hạng mục lòng hồ của các công trình thủy điện, để có cơ sở xử lý, giải quyết việc giao quản lý đất lòng hồ thủy điện và các hoạt động khác có liên quan tại các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả báo cáo UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 17/5/2023. Mọi chậm trễ sau thời hạn này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đối với các điểm mỏ hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc về nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng, gặp vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất … để thực hiện dự án đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có điểm mỏ theo chức năng nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để kịp thời triển khai dự án, tránh hình thành các dự án treo gây thiệt hại cho doanh nghiệp và tạo dựng môi trường đầu tư tốt để thu hút doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có điểm mỏ phải kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi tiến độ giải quyết các vướng mắc, tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh về kết quả giải quyết chậm nhất vào ngày 20/5/2023.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum được giao là cơ quan đầu mối có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án; báo cáo tình hình, tiến độ giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, các khó khăn vướng mắc đối với các mỏ trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản gửi về UBND tỉnh định kỳ vào ngày 15 hằng tháng để biết, theo dõi, chỉ đạo.

“Chánh Thanh tra tỉnh khảo sát, lập kế hoạch thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những chậm trễ, sai sót trong việc triển khai các dự án khai thác khoáng sản, đặc biệt là các điểm mỏ đã có quyết định phê duyệt công nhận kết quả trúng đấu giá nhằm chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong lĩnh vực công tác này”, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu.

Kon Tum xử lý trách nhiệm đơn vị giải ngân vốn đầu tư công thấp
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, tỉnh Kon Tum yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan; xử lý trách nhiệm nhà thầu vi phạm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư