Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Chặn dự án kiểu "tỉnh bạn có, tỉnh ta phải có"
Khánh An - 26/05/2014 08:00
 
Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Dự thảo Luật Đầu tư công để nâng cáo trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.
TIN LIÊN QUAN

Trong số 100 cảng biển (trong đó có 20 cảng quốc tế), 22 sân bay (8 sân bay quốc tế), 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp..., không ít dự án được hình thành bởi lý do “tỉnh bạn có, tỉnh ta cũng phải có”. Đương nhiên, trên cơ sở như vậy, tình trạng cảng không hàng, khu công nghiệp xanh cỏ cũng là dễ hiểu.

  Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công  
  Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công. Ảnh: Đức Thanh  

Thậm chí, khi trao đổi tại nhiều hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không ngần ngại nhắc tới tình trạng có dự án được quyết định chủ trương đầu tư khi chưa hề xác định được nguồn vốn để thực hiện, không đánh giá tác động, nhưng không rõ vì sao lại thực hiện…

“Ở nhiều nơi, quy trình quyết định chủ trương đầu tư bị đơn giản hoá, trong khi ai cũng hiểu rằng, chủ trương đầu tư là quan trọng nhất, là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư”, Bộ trưởng Vinh cho biết.

Thực tế, lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều nguyên nhân khác nhau, như do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công..., nhưng đúng như Bộ trưởng Vinh đã phân tích, lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Nhưng chưa có ai phải chịu nhận trách nhiệm bởi những hệ lụy này. Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải thực tế này là do quy định về chủ trương đầu tư chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành. Theo ông Hà, đây cũng là lý do để Dự án Luật đã dành trọn Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Trong đó, có những quy định mới chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành, như thẩm quyền và trình tự nghiêm ngặt quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công.

Đi kèm với đó, quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư cũng được xác định rõ, với yêu cầu đề xuất các chương trình, dự án đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm huy động và cân đối được nguồn lực để thực hiện...

Cũng phải nói thêm, đi kèm với nội dụng mới này, Dự thảo Luật Đầu tư đưa ra những nội dung đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm. Kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ bảo đảm các cân đối kinh tế lớn của cả nước, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết nguồn vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn. Đây cũng là cách khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không cân đối được nguồn vốn, vừa thi công vừa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đồng thời tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước…

Thêm một điều quan trọng mà Dự thảo Luật Đầu tư công phải đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đó là sự thống nhất và tính phối hợp giữa Luật Đầu tư công và các văn bản luật khác liên quan để tạo thành bộ luật hoàn chỉnh về đầu tư công.

“Dự thảo Luật này trải qua 7 năm thảo luận, bàn bạc. Từ đó đến nay, tình trạng đầu tư dàn trải đã được nói đến nhiều, với các cấp độ khác nhau, trong nhiều văn bản, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Mọi việc trở nên rõ hơn sau khi Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ được ban hành. Mặc dù đã bước đầu thu được kết quả khả quan, song Chỉ thị 1792/CT-TTg vẫn là các quy định dưới luật và mới giải quyết được một số bức xúc trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống. Cần phải thể chế các quy định này để đưa hoạt động đầu tư công vào nề nếp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Đề nghị bổ sung nội dung theo dõi, kiểm tra, giám sát” 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Tôi đồng tình với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật đã bao quát được toàn bộ đối tượng cần quản lý.

Để đầu tư công thực sự đi vào nề nếp, tôi đề nghị Dự thảo bổ sung nội dung theo dõi, kiểm tra, giám sát bên cạnh việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để bảo đảm bao quát hết tất cả mọi đối tượng tham gia có liên quan đến hoạt động đầu tư công. Nguyên tắc quản lý đầu tư công cần phải có tính khái quát cao hơn, nhưng phải bảo đảm nâng cao tiết kiệm, hiệu quả. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công phải thể hiện rõ trong Luật để xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.n

Dự thảo Luật chế định rõ ràng quy trình đầu tư”

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Ban Soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế. Nhiều nội dung đã được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu xây dựng đất nước. Về yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công, Dự thảo Luật chế định rõ ràng quy trình đầu tư từ chủ trương đầu tư, tiếp nhận đầu tư đến quản lý đầu tư; xây dựng cơ chế giám sát đầu tư, chế định rõ trách nhiệm; minh bạch hóa cơ chế phân bổ vốn đầu tư...

Tôi cho rằng, Dự thảo Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp này, nếu hoàn thiện một số điều khoản cụ thể bảo đảm tính chặt chẽ của luật và bảo đảm đồng bộ với các luật khác có liên quan.

TIN LIÊN QUAN
Hết cảnh tấp nập địa phương lên bộ, ngành xin dự án
Luật Đầu tư công: Ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan
Dự thảo Luật Đầu tư công: Đã rõ các khái niệm
Luật Đầu tư công: Làm rõ thẩm quyền phê duyệt dự án
Để Luật Đầu tư công trở thành vũ khí chống tham nhũng
Quá trình đổi mới đòi hỏi chúng ta sự minh bạch

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư