Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 1: “Nã tiền” xuyên thủng hàng rào công
Ngô Nguyên - 01/10/2024 09:10
 
Hàng loạt đại án vừa bị triệt phá cho thấy, đặc điểm chung đầu tiên của tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam là sẵn sàng “nã tiền”, “nã nhiều tiền” để lũng đoạn quan trường nhằm tối ưu hóa lợi nhuận dơ bẩn.

Tội phạm “cổ cồn trắng” được hiểu là tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, có trình độ, làm việc tại các tập đoàn, công ty, không sử dụng bạo lực để kiếm tiền. Thời gian qua, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư liên tiếp được đưa ra ánh sáng, có những vụ “trời rung đất chuyển”.

Sự câu kết tinh vi của chủ doanh nghiệp tư nhân với quan chức nhà nước biến chất, thoái hóa để lũng đoạn hệ thống chính trị cơ sở không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc mở rộng chống tham nhũng sang khu vực tư của Đảng là kịp thời, đúng đắn nhằm chặn đứng “giặc nội xâm”, để xây dựng đất nước phát triển bền vững, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II.

Bài 1: “Nã tiền” xuyên thủng hàng rào công

Hàng loạt đại án vừa bị triệt phá cho thấy, đặc điểm chung đầu tiên của tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam là sẵn sàng “nã tiền”, “nã nhiều tiền” để lũng đoạn quan trường nhằm tối ưu hóa lợi nhuận dơ bẩn.

Chi hàng triệu USD để “qua ải”

Đại án Vạn Thịnh Phát là vụ án kinh điển phơi bày rõ nhất loại tội phạm “cổ cồn trắng” không tiếc tiền để xuyên thủng hàng rào công; điển hình cho sự móc nối, ăn chia giữa tội phạm khu vực tư với quan chức thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước; điển hình cho sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm “sân sau” cho doanh nghiệp; điển hình trong việc lách luật trục lợi; điển hình trong gây hại cho cộng đồng dân sinh và Nhà nước.

Đây cũng là vụ án vô cùng lớn trong lịch sử tố tụng Việt Nam, khi Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra nhiều cái nhất “sởn da gà”: “biến” gần 36.000 trái chủ thành bị hại; chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 673.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM và gấp gần 1,7 lần thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng, gấp 4,5 lần thu ngân sách năm 2023 của Hải Phòng; vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 106.000 tỷ đồng, gấp đôi thu ngân sách năm 2023 của Quảng Ninh.

Hành vi động trời của Trương Mỹ Lan chỉ có thể trót lọt khi có sự tiếp tay của nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, mở toang “cửa ải” giám sát công cho tội phạm tung hoành.

Cụ thể, khi Trương Mỹ Lan thâu tóm và biến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thành công cụ tài chính, huy động tiền của cá nhân, tổ chức chỉ để phục vụ mục đích riêng, “cửa ải” công đầu tiên là thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II). Đây là “hàng rào” công trực tiếp tại địa phương có nhiệm vụ phát hiện sai phạm từ “trứng nước” và nhanh nhất để báo cáo cơ quan cấp cao hơn xử lý.

Ngay từ đầu, Tổ giám sát do các đơn vị trên lập ra đã phát hiện và gửi tới 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt, nhưng tất cả không được chấp nhận.

Lý do sâu xa là từ Cục trưởng tới Phó cục trưởng Cục II, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, thậm chí tới cả Tổ trưởng Tổ giám sát đều được Trương Mỹ Lan “đầu tư” bằng việc biếu từ 470 triệu đồng tới hơn 15.000 USD mỗi người.

Cựu Trưởng đoàn thanh tra  Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan.

“Cửa ải” công kế tiếp và có quyền lực quyết định số phận SCB - Trương Mỹ Lan chính là Đoàn thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lần đầu tuyên tử hình chủ doanh nghiệp tư nhân vì tội tham ô tài sản

Ở đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan ở tội “tham ô tài sản”, tội mà lâu nay “mặc nhiên” cho người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước. Bởi tuy chỉ là chủ doanh nghiệp tư nhân, không có chức vụ trong SCB, nhưng Trương Mỹ Lan lại có quyền tuyệt đối tại SCB và biến ngân hàng này thành công cụ huy động tiền của người dân, tổ chức để chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 673.000 tỷ đồng.

“Cửa ải” tối cao này cũng phát hiện sai phạm của SCB. Nhưng Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan. Đây là số tiền một người nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay. Các thành viên trong đoàn cũng đều được “biếu” tiền theo cấp bậc, nhiệm vụ.

Thế là, thay vì xử lý, Đoàn thanh tra lại cố tình che giấu, thậm chí “vẽ đường cho hươu chạy”, kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Rõ ràng, các tầng giám sát, thanh tra trên đều có nghiệp vụ và đã phát hiện sai phạm ngay từ đầu. Hơn thế nữa, 2 tầng giám sát công với 18 cán bộ thanh tra, giám sát đều là đảng viên (hiện đã bị khai trừ Đảng), tức là còn phải gánh trọng trách với Đảng trong thực thi công vụ. Nhưng, tất cả vẫn “gục” trước đồng tiền.

“Chăm chút” đến từng sở thích của quan tham

Đây là việc tội phạm “cổ cồn trắng” ưu tiên thứ hai, sau “phong bì”, điển hình ở đại án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil ).

Theo cáo trạng, để được tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không chỉ “lót tay” tổng cộng hơn 36 tỷ đồng, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Xuyên Việt Oil còn “chăm chút” đến từng tiểu tiết sở thích của quan tham, khi biếu Lê Đức Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT VietinBank, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) 1 bộ gậy golf nhãn hiệu Honma trị giá 1,1 tỷ đồng; 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn 9,8 tỷ đồng; 1 chiếc ô tô Mercedes Ben S450 Luxury trị giá gần 6,7 tỷ đồng.

Nhiều cực quan chức liên quan tới đại án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Bà Hạnh còn biếu quà trị giá 50.000 USD cho ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và cũng không quên “cảm ơn” cấp dưới của ông Hải là nhiều cựu lãnh đạo cấp vụ, không chỉ tiền (315.000 USD), mà cả đồng hồ Patek Philippe. Nguyễn Lộc An, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) bán đồng hồ này được tới 23.000 USD.

Được “chăm chút” như thế, lại còn thoải mái chia “quà” ngay tại phòng làm việc (ông Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và ông Hoàng Anh Tuấn, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã chia nhau 250.000 USD ngay tại phòng làm việc của ông Đông), với quyền lực trong tay, hàng loạt quan tham đã ngó lơ, thậm chí tiếp sức để Mai Thị Hồng Hạnh chiếm đoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường tới 1.463 tỷ đồng, dùng số tiền nay đi mua bất động sản, cho vay mượn và… đi hối lộ.

Nhớ đến cả sinh nhật… cán bộ

Tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận quan tham là việc “nằm lòng” của tội phạm “cổ cồn trắng” khi muốn “xơi” các dự án vốn ngân sách nhà nước, điển hình là đại án ở Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC).

Để được tạo điều kiện, thông thầu, chia thầu các dự án tại Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) không chỉ tận dụng các dịp Tết, mà cả các ngày lễ, sinh nhật để đến tận phòng làm việc “tặng quà” Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Tổng cộng trong 6 năm (từ năm 2014 đến khi ông Chiến nghỉ hưu, năm 2020), với 13 lần bà Nhàn tới “tặng quà”, vị quan tham này đã “ăn” 13 tỷ đồng của Công ty AIC.

Không chỉ chăm sóc Bí thư, bà Nhàn còn “tận tình” với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh, khi nhớ cả ngày sinh nhật của ông này để tới phòng làm việc “tặng quà”. Tổng cộng, ông Quỳnh đã “nhận quà” hơn 8,1 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đương nhiên, bà Nhàn còn phải “gõ cửa cảm ơn” Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh để “mọi cửa đều thông thoáng”.

Kết quả, Công ty AIC đã trúng gói thầu tại bệnh viện các huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh, gây thiệt hại cho ngân sách 48 tỷ đồng.

Tại hàng loạt tỉnh, thành phố khác, AIC trúng 8 gói thầu ở TP.HCM khi “cảm ơn” ông Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) 14,4 tỷ đồng để được “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu; trúng 16 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng tại Đồng Nai, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỷ đồng nhờ “biếu” ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy 14,5 tỷ đồng, biếu ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh 14,5 tỷ đồng, biếu ông Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế 14,8 tỷ đồng...

Quà “khủng”, tiền “tấn” là “hành trang” đầu tiên, tiên quyết mà hầu hết tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân thường dùng để thao túng quan tham, biến “của công” thành “của ông”, “của bà”.

(Còn tiếp)

Đại án Vạn Thịnh Phát: Gần 36.000 bị hại lo lắng về quyền lợi của mình
Bất ngờ lớn nhất tại đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II là Tòa án Nhân dân TP.HCM xử vắng mặt người bị hại. Điều này khiến hàng ngàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư