Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chặn nợ xấu ngân hàng quay trở lại
Thùy Vinh - 30/05/2019 08:06
 
Từ năm 2012 đến hết quý I/2019, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 907.300 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu đang có xu hướng tăng do các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đó bắt đầu quay lại ngân hàng.
Techcombank, một trong 5 ngân hàng đã xóa sạch nợ tại VAMC.
Techcombank, một trong 5 ngân hàng đã xóa sạch nợ tại VAMC.

Nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, báo cáo từ các tổ chức tín dụng, thì tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 2,5% vào cuối năm 2017, xuống mức 2,4% vào cuối năm 2018. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% trong cùng giai đoạn. Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn đã góp phần tác động tích cực lên quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các nhà băng thời gian qua.

Tuy nhiên, sau 5 năm, các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó bắt đầu quay lại ngân hàng nếu chưa được xử lý. Đó cũng là lý do nợ xấu nội bảng các nhà băng tăng trở lại từ năm 2018.

Theo cơ chế mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Hiện là thời điểm tròn 5 năm đã trôi qua, lượng trái phiếu đặc biệt lần lượt đáo hạn, các tổ chức tín dụng nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC nếu vẫn chưa xử lý được.

Tính đến thời điểm này, mới có 5/24 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC là Vietcombank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB. Qua đó mới thấy, được bán nợ cho VAMC không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này, mà vẫn phải xử lý. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng sau 5 năm nếu chưa được giải quyết.

Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao, ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm.

Quyết liệt xử lý, giảm gánh dự phòng

Trong mùa Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên năm 2019, nhiều ngân hàng lần lượt công bố kế hoạch mua lại nợ, tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC.

Dự kiến, năm 2019, TPBank mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu VAMC tùy theo mức độ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế để xử lý.

Đại diện BIDV thì cho hay, sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội - ngoại bảng và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.

VPBank cũng tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2019, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Theo đó, VPBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2019 ở mức khiêm tốn là 9.500 tỷ đồng. Tương tự, Kienlongbank đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trước khi kết thúc năm 2019.

Với Eximbank, ngân hàng này dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ mua lại hết nợ đã bán cho VAMC. Eximbank dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC trong năm nay là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước; còn sau trích lập, lãi trước thuế là 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Sacombank cũng là ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, lên tới 40.233 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018, giảm nhẹ 7,5% so với đầu năm 2018. Năm 2017, Sacombank xử lý được 20.000 tỷ đồng và năm 2018 xử lý được 15.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, để giảm gánh nặng dự phòng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mục tiêu của Sacombank đưa ra năm nay xử lý 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong quý đầu năm nay, ngân hàng đã xử lý được 5.000 tỷ đồng nợ xấu.

SCB cũng còn số lượng trái phiếu đặc biệt khá lớn do những tồn tại từ các ngân hàng trước hợp nhất để lại. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu xử lý không dưới 4.000 tỷ đồng nợ xấu năm nay trong tổng khối lượng trái phiếu đặc biệt VAMC còn trên 15.000 tỷ đồng. Hiện quỹ dự phòng của SCB đã lên đến con số trên 8.000 tỷ đồng và sau khi xử lý xong, khối nợ xấu trên sẽ được hoàn nhập.

Được biết, VAMC có kế hoạch thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019, phát hành trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng và mua nợ xấu theo giá thị trường 4.500 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VAMC, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trong việc mua nợ.

Năm 2019, VAMC sẽ kiểm tra định kỳ, đột xuất tại tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động ủy quyền, nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động xử lý nợ, tăng cường kiểm tra đối với khách hàng vay và tài sản đảm bảo các khoản nợ đã mua từ các ngân hàng.

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu, nhưng điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về.

Chỉ đạo sát sao triển khai Nghị quyết 42

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát sao công tác triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, lưu ý các nhà băng áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt.

Phá băng nợ xấu ngân hàng (Kỳ I)
Khi những ngân hàng “ung nhọt” được cách ly và xử lý dần dần, khối nợ xấu khổng lồ gần 800.000 tỷ đồng (tương đương hơn 30 tỷ USD) đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư