Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường
D.Ngân - 15/11/2024 10:01
 
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose máu mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insuline hoặc cả hai.

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose máu mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insuline hoặc cả hai.

Điều trị không dùng thuốc bao gồm hoạt động thể lực phù hợp, dinh dưỡng và thay đổi lối sống. Điều quan trọng là chế độ dinh dưỡng cần được áp dụng mềm dẻo theo thói quen ăn uống của người bệnh, các thức ăn sẵn có tại từng vùng miền.

Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy chế độ ăn giàu quả chín, rau và các glucid phức hợp nhiều chất xơ giúp làm giảm nguy cơ các bệnh mạn tính (đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì…). Từ đó, các khuyến cáo chung đã đưa ra là chế độ ăn giảm thiểu carbohydratee tinh chế, nhiều chất xơ có vai trò trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường.

Có người bệnh quá lo lắng về bệnh, sợ tăng đường máu nên có xu hướng ăn kiêng khem và giảm/cắt bữa ăn đi so với nhu cầu khiến sút cân nghiêm trọng hoặc có những cơn hạ đường máu.

Song cũng có người bệnh lại có xu hướng ăn nhiều bữa hơn so với nhu cầu của mình khiến đường máu luôn ở mức cao, không kiểm soát được đường huyết làm cho biến chứng đái tháo đường đến sớm hơn. Như vậy cần ăn bao nhiêu bữa là đủ với người bệnh đái tháo đường?

Khuyến nghị về số bữa ăn hợp lý trong ngày của người bệnh đái tháo đường và giờ ăn hợp lý theo bác sỹ Thanh Huyền, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng cả về số lượng và chất lượng;

Đồng thời không làm tăng đường máu nhiều sau ăn, không làm hạ đường máu xa bữa ăn và không làm tăng các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa được những biến chứng như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu (rối loạn mỡ máu), viêm mạch máu nhỏ...

Người bệnh cũng cần lưu ý sử dụng những thực phẩm sẵn có, phù hợp với thói quen ăn uống của gia đình. Một điều quan trọng là cần phân bố bữa ăn trong một ngày cho hợp lý.        

Trước hết với người bệnh đái tháo đường, chế độ ăn cần đảm bảo tính cá thể hoá, cơ cấu bữa ăn cần phù hợp với từng người.

Cần duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày. Có thể thêm các bữa phụ phù hợp với khả năng thực hiện. Với những người bệnh sử dụng thuốc kích thích tiết insulin hoặc tiêm insulin nếu có nguy cơ bị hạ đường máu vào thời điểm nào trong ngày thì nên có bữa phụ vào thời điểm đó.

Người bệnh tập thể dục thể thao cường độ cao nên có bữa phụ trước khi tập luyện, bổ sung thêm trong khi tập luyện nếu thời gian tập luyện kéo dài. Người bệnh có bệnh lý gan, thận nên hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn bữa phụ hợp lý.

Bác sỹ Huyền cũng khuyến cáo người dân không sử dụng các thực phẩm làm tăng đường máu nhanh trong bữa phụ như: bánh ngọt, bánh mỳ, khoai nướng…

Người bệnh có thói quen ăn bữa ăn phụ nên ăn kèm những thực phẩm giúp kiểm soát đường máu, ví dụ ăn kèm mẩu bánh mì với dưa chuột, hoặc ăn trái cây cùng sữa chua không đường.

Nên sử dụng các sản phẩm dành cho người bệnh đái tháo đường như: bánh, sữa, ngũ cốc cho người bệnh đái tháo đường.

Người bệnh thừa cân hoặc đang trong quá trình giảm cân, nếu bị giảm đường máu giữa các bữa ăn thì cần báo bác sĩ điều trị để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Nếu ăn bữa phụ thì phải giảm lượng ăn của các bữa chính, để đảm bảo tổng khẩu phần ăn trong ngày đủ so với nhu cầu của cơ thể vì nếu dư thừa sẽ gây tăng cân, tăng đường máu. Ví dụ: 2 - 3 thìa sữa dành cho người bệnh đái tháo đường, hoặc 1 gói ngũ cốc ăn kiêng.

Thời điểm ăn bữa phụ: Nên ăn bữa phụ vào giữa buổi sáng, giữa buổi chiều và/hoặc trước khi đi ngủ đêm để phòng ngừa nguy cơ hạ đường máu khi xa các bữa ăn chính.

Về lợi ích của việc chia nhỏ bữa ăn theo bác sỹ của Viện Dinh dưỡng, việc chia nhỏ bữa ăn giúp người bệnh đái tháo đường không bị hạ đường máu thường xuyên, kiểm soát được đường huyết.

Nhưng việc chia nhỏ bữa ăn hay sử dụng thêm bữa phụ còn tuỳ thuộc vào từng cá thể. Nếu người bệnh không bị hạ đường máu hoặc kiểm soát đường máu tốt thì có thể chỉ cần 3 bữa chính là đủ.

Còn nếu người bệnh không kiểm soát được đường máu hay có cơn hạ đường máu nghiêm trọng thì có thể phải sử dụng thêm bữa phụ (từ 1 - 2 bữa phụ/ngày). Những người hay bị hạ đường máu trong đêm cần ăn một bữa phụ trước khi đi ngủ 30 phút.

Số lượng bữa ăn cho người bệnh đái tháo đường cần phù hợp với tình trạng kiểm soát đường huyết của người bệnh và thói quen ăn uống không chỉ cả người bệnh và cả gia đình.

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát được khẩu phần ăn, dễ dàng đưa ra lựa chọn khi đói và duy trì trong một thời gian dài sẽ tạo nên một thói quen ăn uống lành mạnh.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư