Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 05 tháng 08 năm 2024,
Chỉ đạo mới của lãnh đạo Chính phủ về Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
Bảo Như - 05/08/2024 19:50
 
Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 56 km, có tổng mức đầu tư 13.952 tỷ đồng, được UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất đầu tư luôn theo quy mô 4 làn xe, với chiều rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5550/VPCP – CN gửi Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Tài chính, Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.

Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Trị tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, trong đó làm rõ sự phù hợp với quy hoạch, sự cần thiết đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tính khả thi và điều kiện đầu tư dự án theo phương thức PPP; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư dự án, cân nhắc phương án lựa chọn cơ quan có thẩm quyền phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ vào tại tháng 7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 27/2/2024, UBND tỉnh Quảng Trị căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW để xác định sự cần thiết phải đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đầu tư PPP.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, UBND tỉnh Quảng Trị chưa làm rõ được lợi thế của phương thức đầu tư PPP so với các hình thức đầu tư khác và hiện trạng của tuyến Quốc lộ 9 hiện hữu, song hành với tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, theo phương án do UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất, Dự án chỉ kết nối đến cao tốc Cam Lộ - Lạ Sơn, chưa đảm bảo kết nối tới Quốc lộ 1.

“Để đảm bảo hiệu quả khai thác kết nối các hệ thống giao thông, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị làm rõ phương án kết nối từ nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn với Quốc lộ 1 để kết nối tới cảng biển Mỹ Thủy trong tương lai và các cảng biển khác”, công văn số 5568 nêu rõ.

Một trong những điểm cấn cá khác trong phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo do UBND tỉnh Quảng Trị để xuất là tính khả thi đầu tư theo phương thức đầu tư theo PPP.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của UBND tỉnh Quảng Trị tại văn bản số 2459/UBND-KT ngày 27/5/2024, Dự án có tổng mức đầu tư là 13.952 tỷ đồng, trong đó phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 9.766 tỷ đồng (chiếm 70%).

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thời gian hoàn vốn lên tới 28,7 năm sẽ khiến Dự án gặp khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tổng mức đầu tư hiện chưa tính toán các hạng mục đầu tư như: hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, lãi vay trong thời gian xây dựng..., như vậy sẽ có khả năng kéo dài tiếp thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.

Ngoài ra, trường hợp Quốc lộ 9 (theo Quy hoạch số 1454, có điểm đầu tại Cảng Cửa Việt, điểm cuối tại Cửa khẩu Lao Bảo, dài 118km, quy mô cấp II, III, 2-4 làn xe) được đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn tới (2026-2030) theo hình thức đầu tư công sẽ giảm lưu lượng vận tải trên tuyến.

“Do đó, ngoài căn cứ theo các cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý, UBND tỉnh Quảng Trị cần được nghiên cứu, xem xét kỹ về cơ sở thực tiễn để có thể đánh giá đúng đắn về tính khả thi đầu tư Dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, hiện kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 chưa được xây dựng, do đó chưa có cơ sở để xác định khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước cho Dự án.

Trường hợp vốn ngân sách địa phương cam kết thu xếp được 1.000 tỷ đồng cho Dự án, phần vốn ngân sách trung ương cần hỗ trợ giai đoạn 2026-2030 cho Dự án là 8.766 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước cho tỉnh Quảng Trị, tổng số vốn ngân sách nhà nước là 14.567,609 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 7.491,968 tỷ đồng (vốn trong nước 5.568,168 tỷ đồng; vốn nước ngoài 1.932,8 tỷ đồng).

Do vậy, việc UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ là 8.766 tỷ đồng, cao hơn 1,5 lần tổng số vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là chưa khả thi, đồng thời trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ không còn nguồn để triển khai những nhiệm vụ, dự án quan trọng khác của tỉnh.

Về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại Điều 69 Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP là không quá 50% tổng mức đầu tư. Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị, vốn nhà nước tham gia trên 70% tổng mức đầu tư.

Do vậy, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Luật PPP, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Với những lý do nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, rà soát kỹ lại toàn bộ Dự án, trong đó làm rõ sự phù hợp quy hoạch, sự cần thiết đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tính khả thi và điều kiện đầu tư dự án theo phương thức PPP.

“Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư dự án, cân nhắc phương án lựa chọn cơ quan có thẩm quyền phù hợp, báo cáo Thủ tướng”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư