Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Chi phí của doanh nghiệp dệt may đã tăng 20 - 25%
Hải Yến - 22/07/2022 10:45
 
Giá bông tăng 19,1%, giá xăng dầu tăng 67%, chi phí vận tải cao gấp 3 lần...là những yếu tố khiến chi phí của doanh nghiệp dệt may tăng từ 20-25% trong nửa đầu năm 2022.
Chủ tịch Vitas, Vũ Đức Giang, xuất khẩu dệt may đang đối diện nhiều thách thức trên chặng đường nửa cuối năm 2022.
Theo Chủ tịch Vitas, Vũ Đức Giang, xuất khẩu dệt may đang đối diện nhiều thách thức trên chặng đường nửa cuối năm 2022.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã liệt kê rõ hơn về ghánh nặng chi phí của doanh nghiệp tại Họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của ngành dệt may. 

"Lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… ,diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục, trong đó giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây…  làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 – 25%", ông Giang cho biết.

Vượt qua những trở ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất gia tăng, 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 16,94 tỷ USD tăng 19,5% so cùng kỳ; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD tăng 22,3%; vải không dệt đạt 452 triệu USD tăng 25,5%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,4 tỷ USD tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Xuất siêu của ngành đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021. 

Năm 2022 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD, như vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 còn gần 50%, tức phải hoàn thành kim ngạch xuất khẩu 20-21 tỷ USD.

Song nhiệm vụ khá nặng nề bởi tổng cầu hàng dệt may toàn cầu đã phát lộ những dấu hiệu sụt giảm, nhất là 2 thị trường lớn là Mỹ và EU giảm sức mua. Khảo sát, đánh giá của các nhà bán hàng, tổ chức quốc tế cho thấy, tại thị trường Mỹ, lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều nhất.

Nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các FTA  thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, Vitas lưu ý các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng FOB, ODM.

Ông Giang khẳng định, Vitas sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương về vấn đề phòng dịch và sản xuất, thông tin thị trường, chi phí cảng biển, bất cập về thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, chi phí công đoàn, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may.

Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; triển khai các chương trình về năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, quản lý lao động… 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư