Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Chi phí kinh doanh và “giới hạn đỏ”
Bảo Duy - 28/01/2024 15:25
 
Chi phí kinh doanh đang tăng quá cao, buộc nhiều doanh nghiệp lại phải nghĩ tới “giới hạn đỏ” - tức khả năng chịu đựng đến đâu - sau khi đã rất nỗ lực chèo chống, vượt qua những thác ghềnh của năm 2023. Nhìn xa hơn, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt lại thêm thử thách.

Với mức tăng giá thức ăn cho cá tra khoảng 10 - 15% mỗi năm, liên tục từ sau Covid-19 đến giờ, chi phí cho thức ăn mà các doanh nghiệp nuôi trồng hải sản đang gánh đã tăng 30 - 40%. Với tỷ trọng chi phí cho thức ăn chiếm từ 70 - 80% chi phí sản xuất nguyên liệu cá tra, gánh nặng tăng thêm với các doanh nghiệp rất đáng kể. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu đang giảm gần 20% so với năm trước.

Tương tự, các doanh nghiệp nuôi tôm cũng đang đối mặt với sự gia tăng chi phí khi giá thức ăn cho tôm cũng tăng cao, khoảng 10 - 15%. Cùng với đó, các doanh nghiệp tôm đang gồng gánh chi phí điện tăng đáng kể (khoảng 10%), vì giá điện đã được tính theo dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục rơi vào thế bị động khi cước phí vận tải biển đã tăng cao gấp đôi, gấp ba do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ (con đường hàng hải thương mại quan trọng trên thế giới). Từ đầu năm 2024, cước tàu đi tới bờ tây nước Mỹ (cảng Los Angeles) đã tăng 800 - 1.250 USD/container, tùy theo hãng tàu. Như vậy, giá cước đã đội từ 1.850 USD/container, lên 2.873 - 2.950 USD/container, tăng thêm 50 - 60%. Cước tàu tới bờ đông nước Mỹ (cảng New York) còn tăng cao hơn, từ mức giá 2.600 USD/container vào tháng 12/2203, lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 1/2024.

Cước tàu đi tới châu Âu cũng đang gây sốc các doanh nghiệp xuất khẩu EU với măt tăng tới 3,5 lần. Cước đi cảng Hamburg tăng từ 1.200 - 1.300 USD/container vào tháng 12/2203, lên 4.350 - 4.450 USD/container trong tháng 1/2024.

Không ít doanh nghiệp chưa hết vui mừng vì tìm được đơn hàng mới sau một thời gian dài đứt gãy lại phải đối mặt với nguy cơ nhà nhập khẩu ngưng nhận hàng.

Song trong các báo cáo kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới Chính phủ từ đầu năm đến nay, lo ngại chi phí gia tăng không chỉ đến từ những tác động từ thị trường thế giới, từ những bất ổn địa chính trị.

Trong khi đơn hàng giảm, các khoản chi phí tuân thủ, như thực hiện các quy định về thuế, bảo hiểm xã hội, các loại thủ tục hành chính… hay các khoản chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng của doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa do không tiếp cận được đất đai, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng… càng trở nên quá lớn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải gánh những khoản chi chí đáng ra không có, như công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu cũng chậm cải thiện; còn nhiều yêu cầu về quản lý quá mức cần thiết hay chậm trễ trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng… Cũng do Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa kết nối đồng bộ thủ tục và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước; nên nhiều thủ tục vẫn thực hiện bản giấy, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cho đến thời điểm này, sau rất nhiều yêu cầu giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hay quy định chỉ được thực hiện 1 lần/năm, thì trong báo cáo mới gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vẫn nhắc đến tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo còn rất nhiều, gây phiền hà, mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây tứ bề, những khoản chi này đang làm khó hơn nỗ lực cắt giảm chi phí kinh doanh, bào mòn sức lực vốn đã rất mỏng của nhiều doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị được chia lại chi phí kinh doanh
Đơn kiến nghị phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức kinh doanh được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư