Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chỉ rõ trách nhiệm trong lập dự án PPP
Khánh An - 08/03/2015 17:53
 
Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lần đầu tiên quy định cụ thể quy trình, thủ tục lập danh mục dự án PPP, bao gồm cả trường hợp dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập và dự án do nhà đầu tư đề xuất.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tony Blair đặc biệt quan tâm tới dự án PPP ở Việt Nam
Bỏ giới hạn vốn nhà nước trong dự án PPP
Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định PPP
Định lượng giá trị di sản trong dự án PPP

Với dự án do cơ quan nhà nước lập, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải lập đề xuất dự án và tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án khi được lựa chọn, làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án.

Một số địa phương đề xuất dự án không thực sự cấp bách và khả thi

So với quy định hiện hành, việc bổ sung các điều kiện để sàng lọc, xem xét lựa chọn dự án được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có thể bị coi là thêm thủ tục hành chính phức tạp.

Hơn thế, trước đó, khi góp ý cho Dự thảo Nghị định này, không ít ý kiến lo ngại về hiệu quả thực sự của quy định này, vì việc thực thi sẽ liên quan mật thiết đến năng lực sàng lọc dự án và đánh giá đề xuất dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đã có ý kiến nhắc tới tình trạng xin - cho khi lập thứ tự ưu tiên đầu tư trong danh mục dự án PPP.

Tuy nhiên, bình luận về vấn đề này, các chuyên gia PPP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh sẽ xác định rõ hơn nhu cầu thu hút đầu tư của bộ, ngành, địa phương, cũng như minh bạch hóa cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư.

“Cách này sẽ hạn chế được việc lập đề xuất dự án tràn làn, tránh gây lãng phí, tốn kém, đảm bảo các dự án được lựa chọn và đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP thực sự là các dự án phù hợp và hiệu quả hơn so với các hình thức đầu tư khác”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích thêm.

Đồng thời, quy trình này làm rõ dự án nào khả thi về mặt tài chính, vừa đảm bảo được vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư, vừa đảm bảo được khả năng sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ thực hiện dự án phù hợp với khả năng huy động và cân đối nguồn lực đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn, kế hoạch đầu tư hàng năm.

Thực tế, việc lập và công bố danh mục này đang khá rối rắm.

Theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định về các hình thức đầu tư BOT, BTO, BT, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh cũng phải lập danh mục của ngành, địa phương mình. Tuy nhiên, ngoài một số điều kiện liên quan đến quy hoạch, lĩnh vực đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án BT, Nghị định 108/2009/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn không cụ thể hoá tiêu chí xem xét dự án được lựa chọn vào danh mục dự án. Điều này dẫn đến tình trạng một số địa phương đề xuất dự án không thực sự cấp bách và khả thi.

Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng danh mục dự án sơ sài, thiếu thông tin và luận cứ tại nhiều địa phương không chỉ gây khó khăn trong việc tham gia ý kiến, phê duyệt danh mục dự án, mà còn hạn chế khả năng tiếp cận đầy đủ thông tin về dự án của nhà đầu tư. Đặc biệt, tình trạng cơ quan không lập danh mục dự án, mà để nhà đầu tư đề xuất, rồi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư đang diễn ra rất phổ biến...

Ngay cả danh mục dự án PPP theo quy định tại Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg cũng không có được sự cải thiện đáng kể dù được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong hoạt động đầu tư này khi yêu cầu đề xuất dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cả của nhà đầu tư được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tổ chức thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vào danh mục dự án.

Trong số khoảng 200 dự án các bộ, ngành, địa phương gửi về, đa phần là danh mục dự án với các thông tin chưa đầy đủ để có thể tiếp tục sàng lọc, đánh giá sơ bộ tính khả thi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư