Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chỉ tiêu kinh tế năm 2020: Đạt và vượt cũng vẫn còn lo
Nguyễn Lê - 25/09/2020 18:31
 
Ngay cả những chỉ tiêu ước tính đạt và vượt kế hoạch năm nay cũng chứa những băn khoăn của đại biểu Quốc hội và chuyên gia.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (giữa) và các Phó chủ nhiệm điều hành phiên họp - (Ảnh PVK)

Vì tác động của dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu không chỉ riêng của năm 2020, mà của cả giai đoạn 2016- 20220 cũng không thể về đích. Tuy nhiên, nền kinh tế còn không ít hạn chế, yếu kém do nội tại. Và ngay cả những chỉ tiêu ước tính đạt và vượt kế hoạch năm nay cũng chứa nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội và chuyên gia.

Chưa vội mừng

Cả ngày 25/9, tại Hạ Long (Quảng Ninh), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra các báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016- 2020 và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này.

Trong thời gian giới hạn, báo cáo tóm tắt ba nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu một cách khái quát cả kết quả và hạn chế, yếu kém. Theo đó, 8/12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 đã đạt và vượt kế hoạch. Gồm, CPI khoảng 3,5 đến 3,9%, xuất siêu khoảng 2,6% (mục tiêu nhập siêu dưới 3%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33,6% (mục tiêu 33-34%)...

Những chỉ tiêu không đạt, ngoài GDP (từ 2-3%), còn có tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 1% (mục tiêu 7%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị ước thực hiện 4,39% (mục tiêu dưới 4%); tỷ lệ lao động qua đào tạo thực  hiện 64,5% (mục tiêu 65%).

Ngay phần đầu thảo luận, không ít băn khoăn về những con số trên đã được đặt ra. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi: chỉ tiêu CPI 4% có ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng thế nào?

Cùng quan tâm đến chỉ số này, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đặt vấn đề, trong điều kiện GDP chỉ tăng có 2-3% mà CPI ở mức gần 4% sẽ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực thế nào với tăng trưởng, trong bổi cảnh chống dịch Covid- 19 Chính phủ đã có nhiều biện pháp để bình ổn giá cả?

Mục tiêu CPI năm nay không quá 4%, nhưng hiện tại đã là 3,96% rồi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Minh nêu con số và cho biết ông cảm thấy lo ngại. Bởi, theo truyền thống, cứ cuối năm giá cả lại tăng. Vậy có thể đạt chỉ tiêu CPI dưới 4% không, phải phân tích đánh giá có cơ sở, hoặc có giải pháp ứng phó chủ động, ông Minh đề nghị.

Bên cạnh CPI, cả Phó tổng Kiểm toán Vinh và Phó chủ nhiệm Minh đều cùng quan tâm đến mối quan hệ giữa tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 1% (so với chỉ tiêu tăng 7%), với kết quả tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đặt ra dưới 3% thì đã xuất siêu 2,6%.

Theo ông Minh, nhìn vào đây, dù xuất siêu nhưng cảm thấy đáng lo ngại, bởi tổng cầu giảm do Covid-19, hoạt động của nền kinh tế thiếu năng động, trì trệ, vì nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Cả đại biểu Minh và đại biểu Vinh đều đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về mối quan hệ của hai chỉ tiêu xuất - nhập khẩu.

Tiếp tục đốc thúc giải ngân đầu tư công

Cũng được dự báo sẽ hoàn thành, nhưng cũng lại đáng lo, theo một số ý kiến là tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt 33,6% (kế hoạch 33-34%). Kế hoạch là vậy, nhưng hết 8 tháng mới giải ngân được 47%.

Dù đã lập 7 đoàn đi đôn đốc thì giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng cũng mới đạt 47% , vậy khả năng thực hiện được 100% như yêu cầu của Thủ tướng có thực hiện được không?, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng sốt ruột.

Hồi âm cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công đã nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của Chính phủ. Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều hoạt động tiếp theo để xúc tiến việc này, ông Phương khẳng định.

Theo Thứ trưởng, trên thực tế, tỷ lệ giải ngân có cải thiện và tích cực hơn cùng kỳ, số vốn năm nay lớn hơn rất nhiều năm 2019, tác động đến nền kinh tế là hết sức tích cực.

Ông Phương cho biết thêm lý do tại sao số vốn được giải ngân các tháng đầu năm vốn đầu năm thấp mà cuối năm cao,  là vì phải có khối lượng mới giải ngân được, rất nhiều thủ tục phải hoàn thành. Các dự án quan trọng quốc gia cũng vậy, để khởi công và có khối lượng thì cần nhiều thời gian.

Những băn khoăn khác của các vị đại biểu và chuyên gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết sẽ tiếp thu trong quá trình hoàn thiện các báo cáo trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, một số vị đại biểu băn khoăn, đặt câu hỏi về căn cứ để đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% cho năm sau. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) muốn có câu trả lời là năm nay GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD thì cơ sở nào để sang năm tăng lên khoảng 3.700 USD/người, tức là chỉ sau 1 năm tăng lên 1.000 USD.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực thì hai số liệu trên được tính theo cách tính mới.

GDP năm tới tăng 6 - 6,5% là hơi khiêm tốn, vì nền tăng trưởng năm nay thấp chỉ khoảng 2%, năm sau có thể mạnh dạn đặt mục tiêu lên 6,5 - 7%, cũng khớp với dự báo của của một số tổ chức quốc tế, ông Lực đề nghị.

Nhắc lại băn khoăn của đại biểu về hai chỉ tiêu trên trong phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ để đưa ra phương pháp tính thuyết phục được đại biểu Quốc hội.

Trước đó, phát biểu cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết hệ thống chỉ tiêu năm 2021 có một số điểm mới, đã đảm bảo quy trình để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Kế hoạch năm 2021: Tốc độ tăng GDP gấp hơn hai lần năm 2020
Năm 2020 có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, riêng tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Kế hoạch năm 2021,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư